Dạy kỹ năng sống cho học sinh

.

Có kỹ năng sống sẽ giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Do vậy, bên cạnh việc dạy học văn hóa, nhiều trường đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa giúp các em rèn kỹ năng sống ngay từ khi còn bé.

Hoạt động ngoài trời giúp rèn kỹ năng sống cho trẻ. TRONG ẢNH: Các bé Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) thi nhảy bao bố ở công viên Biển Đông.
Hoạt động ngoài trời giúp rèn kỹ năng sống cho trẻ. TRONG ẢNH: Các bé Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) thi nhảy bao bố ở công viên Biển Đông.

Từ sáng sớm, các bé Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) ăn sáng thật nhanh để lên xe đến siêu thị Lotte tham quan và vui chơi. Bé Na (5 tuổi) nói: “Con rất thích đi chơi. Được đi thang máy, được mua hàng rất vui. Cô giáo dạy phải giữ trật tự nơi công cộng và không vứt rác bừa bãi”.

Tại siêu thị, các bé được cô giáo dạy các kỹ năng ứng xử cần thiết nơi công cộng như: đi thang máy, giao tiếp, mua hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Bà Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: đi thực tế và làm bánh tại công ty sản xuất bánh, làm sạch môi trường ở công viên biển cùng cô giáo...

Các cô giáo ở Trường mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) cũng cụ thể hóa những bài học về an toàn giao thông, cách chào hỏi… thông qua các hoạt động như cho bé đi chợ, làm bánh. Tại đây, các “thượng đế” nhí được tự mình chọn mua rau, củ, quả bằng tiền bố mẹ cho và đến cuối ngày mang “thành quả” về cho bố mẹ.

Bà Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh cho biết, rèn kỹ năng cho trẻ phải bắt đầu từ bé. Hoạt động này vô cùng cần thiết, không chỉ giúp phát triển tư duy mà còn phát triển ngôn ngữ, giúp bé hoạt bát, mạnh dạn hơn. Ngoài ra, Trường mầm non Bình Minh cũng tổ chức cho trẻ học làm bếp và chăm sóc rau trong vườn cây của trường.

Không chỉ ở bậc học mầm non, ở các bậc học khác, việc rèn kỹ năng sống cho học sinh cũng được chú trọng. Đơn cử như hoạt động kể chuyện theo sách cấp thành phố do Sở GD-ĐT tổ chức tại Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến với chủ đề “Sách - Người bạn thân thiết của em”.

Tại đây, các em được thể hiện năng khiếu kể chuyện, kỹ năng nói trước đám đông và thói quen đọc sách. “Em thấy hoạt động này rất bổ ích, giúp em mạnh dạn hơn và biết cách trình bày câu chuyện mạch lạc”, em Trần Cát Viên, học sinh Trường tiểu học Trưng Nữ Vương (quận Liên Chiểu) - tham dự cuộc thi này, chia sẻ.

Tháng 10-2017, Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà) tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống với chủ đề “Nguyễn Văn Trỗi - Lời anh vọng mãi ngàn năm”. Tại đây, các em thể hiện hoạt cảnh, giao lưu, sinh hoạt và tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Thời gian qua, ngành giáo dục Đà Nẵng đẩy mạnh nhiều hoạt động rèn kỹ năng cho học sinh như: dạy học bơi, mở cổng trường học, mở cửa thư viện, tủ sách, tổ chức Ngày yêu thương giúp bạn nghèo, thực hiện đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn thành phố”...

Các trường học trên địa bàn cũng niêm yết nội dung “Văn hóa ứng xử học đường” tại nơi dễ quan sát, trong phòng hội đồng và trong mỗi lớp học.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống tại các trường phổ thông mới chỉ dừng ở những tiết học đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khóa, thậm chí lồng ghép trong một số môn Tiếng Việt, Mỹ thuật...

Đặc biệt, vì lịch học quá dày nên việc tham gia hoạt động xã hội, thể thao của học sinh thường rất ít, nhất là ở bậc THPT. “Ở trường có câu lạc bộ tiếng Anh nhưng em và nhiều bạn không tham gia được vì lịch học chính và học thêm kín mít”, em Nguyễn Thu Hoài, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Hải Châu chia sẻ.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện nay các em cần nhất là kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng xác định giá trị sống đúng đắn, phòng tránh tác hại của trò chơi điện tử trực tuyến.

Theo ông Vương, cần có khung chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể cho từng bậc học để hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết cho học sinh. Việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ được lồng ghép vào các môn học mà cần triển khai trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ để các em được trải nghiệm nhiều hơn.

Bà Quách Nguyễn Huyền Hà, cán bộ phụ trách đường dây nóng (18001046) của Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng cho biết, cần rèn luyện cho các em kỹ năng quản lý cảm xúc để có thể tự mình giải quyết những mâu thuẫn trong học tập, cuộc sống. Đã có những trường hợp vì không quản lý được cảm xúc dẫn đến bị trầm cảm hoặc có những hành vi tiêu cực.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.