Học nghề gì dễ xin việc?

.

Trong khi nhiều lao động thất nghiệp thì doanh nghiệp (DN) vẫn phải “đỏ mắt” tìm lao động. Vậy chọn ngành, nghề gì dễ có việc làm sau khi ra trường là điều các bạn trẻ đang rất quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay.

Một giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.
Một giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.

Theo số liệu do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố, vào cuối năm 2017, trên cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó nhóm có trình độ đại học trở lên là 237.000 người.

Trong khi đó, tình trạng “khát” lao động lại diễn ra ở nhiều DN. Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cho biết, hiện nay nhiều DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động nhưng không tuyển được.

Vừa rồi, qua sàn giao dịch việc làm, có đơn vị tuyển đến 1.000 người cho các bộ phận kỹ sư điện, cơ khí... nhưng số hồ sơ nộp chỉ “lèo tèo” vài bộ. “Tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề diễn ra thường xuyên.

Thực sự bây giờ không phải người lao động tìm việc nữa mà chính DN và chúng tôi phải đi tìm kiếm lao động. Chúng tôi thậm chí phải “săn” lao động hoặc “đặt hàng” tại các trường đào tạo để có nhân lực cung ứng cho DN”, ông Diệp chia sẻ. Riêng năm 2017, Trung tâm tổ chức hàng ngàn lượt tuyển, mỗi lượt tuyển hàng ngàn lao động nhưng tổng số lao động DN tuyển được trong năm chỉ khoảng 9.000 người, con số quá ít so với nhu cầu.

Bên cạnh dó, nếu trước đây chủ yếu các trường đều phải nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu việc cho sinh viên (SV) thì nay, trước tình hình DN “khát” lao động, các trường chủ động tổ chức kết nối luôn với DN để cung cấp nguồn nhân lực.

Đơn cử như ở Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, ông Hà Quang Minh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho biết: Năm vừa qua, nhà trường đã thành lập Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm.

Vào chiều thứ sáu hằng tuần, trung tâm tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm bán thời gian cho SV theo nhu cầu tuyển dụng của DN để các em vừa có thêm thu nhập vừa được làm quen với môi trường làm việc. Chỉ tính riêng trong năm qua, nhà trường đã kết nối với DN giới thiệu việc làm cho khoảng trên 85% SV mới ra trường trong tổng số 743 SV ra trường.

PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, năm 2018, nhà trường tuyển sinh các ngành: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, ô-tô, Điện tử truyền thông, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường, Công nghệ sinh học, Sư phạm kỹ thuật công nghiệp... Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, ngành Công nghệ thông tin và Du lịch vẫn là những ngành thị trường lao động đang cần nhiều nhất.

“Hiện chúng tôi đang có và sẽ đẩy mạnh đào tạo ngành Kỹ sư công nghệ thông tin. Ngoài ra, chúng tôi đang đào tạo tích hợp, tức là trong tất cả các ngành học như Kỹ sư cơ khí, Cầu đường... đều có học phần về công nghệ thông tin. Sắp tới, nhà trường cũng xem xét việc bổ sung nhiều ngành, nghề mới, đơn cử như ngành Quản lý đô thị rất cần trong tương lai, nhất là khi thành phố đang hướng đến phát triển đô thị bền vững”, thầy Thọ nói.

Theo khảo sát về việc làm của SV sau khi tốt nghiệp mới đây của Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), đa phần SV sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Những nhóm ngành SV ra trường dễ có cơ hội tìm việc nhất lần lượt là Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh. Cũng theo khảo sát, SV nhà trường đa phần làm việc với các DN liên doanh với nước ngoài do mức thu nhập bình quân tại đây cao hơn khu vực Nhà nước.

Là một trong những đơn vị đào tạo nghề lớn nhất Đà Nẵng với chỉ tiêu khoảng 1.600 SV mỗi năm, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện đào tạo 3 nhóm ngành chính: Kỹ thuật công nghệ cao, Công nghệ thông tin, Du lịch và dịch vụ. So với các năm học trước, năm nay nhà trường bổ sung một số nghề mới như Cắt gọt kim loại; Tự động hóa công nghiệp; Logistics; Marketing thương mại; Công nghệ thông tin và dừng tuyển sinh nghề Quản trị cơ sở dữ liệu.

Ông Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho rằng, nhiều SV ra trường không có việc làm một phần là do các em chọn học những ngành, nghề đã bão hòa hoặc đang dư thừa lao động. Nguyên nhân sâu xa hơn là do các em đăng ký học ngành, nghề mình thích, hoặc do gia đình yêu cầu hoặc cho giống với bạn bè chứ chưa chú ý đến ngành nghề thị trường sẽ cần.

“Dự báo thời gian đến, phân khúc thị trường lao động qua giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng, tạo nhiều cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là các nghề trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, như Cơ điện tử; Tự động hóa công nghiệp; Điều khiển điện trong công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Công nghệ thông tin; Công nghệ ô-tô. Ngoài ra, các nghề du lịch và dịch vụ dễ có cơ hội việc làm trong giai đoạn gần như: Quản trị khách sạn; Hướng dẫn du lịch; Marketing thương mại. Xa hơn, với ứng dụng công nghệ 4.0, rô bốt sẽ thay thế vị trí con người ở một số nghề như nhân viên ngân hàng; nhân viên bán hàng... thì Logictics, Thương mại điện tử là các nghề có nhu cầu nhiều trong tương lai”, ông Sơn cho hay.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.