Học qua dự án

.

Học qua dự án là một trong những phương pháp giảng dạy mới đang được triển khai tại Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Trải nghiệm thực tế từ dự án sẽ giúp sinh viên (SV) có những hiểu biết quý báu bên cạnh kiến thức tiếp thu từ sách vở.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu, học tập từ thực tế khảo sát làng rau sạch ở thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang).
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu, học tập từ thực tế khảo sát làng rau sạch ở thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang).

Năm vừa qua, trong chương trình TFI-SCALE dành cho hơn 100 SV thuộc 4 nước (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan), Trường ĐH Bách khoa đã cử 23 SV tham dự. Đây là chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm thông qua các tình huống thực tế và tìm cách ứng phó với những vấn đề mà các quốc gia châu Á đang đối mặt.

Dự án kéo dài 5 tuần, trong đó SV được tập huấn ở Singapore 3 tuần, và 2 tuần còn lại thực hành tại địa phương. Các SV của Trường ĐH Bách khoa đã chọn đi thực tế tại làng sản xuất nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu) và học cách xử lý môi trường ở khu vực chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).

“Chính nhờ tham gia những dự án như thế này, em mới trở nên dạn dĩ hơn trong giao tiếp tiếng Anh, đồng thời tự trang bị những kỹ năng cần thiết về làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… Những kỹ năng mềm giúp ích cho em rất nhiều trong học tập lẫn công việc tương lai”, Đỗ Hoàng Phúc, SV lớp 13ECE chia sẻ.

Mới đây nhất, trong dự án Learning Express diễn ra vào những tháng cuối năm 2017 tại làng rau sạch thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) và làng mây tre An Khê (quận Thanh Khê), hàng chục SV Trường ĐH Bách khoa đã nghiên cứu, khảo sát thông tin và có hoạt động trải nghiệm phong phú ở nhà dân, phỏng vấn dân làng, phân tích dữ liệu để tìm hiểu khó khăn mà người dân đang mắc phải nhằm đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Trải nghiệm từ công việc cụ thể cũng đã mang lại nhiều kinh nghiệm cho SV trường này. Đơn cử như trong khóa học dựa trên dự án ECE372 Microprocessor Interfacing and Embedded Systems được Trường ĐH Bách khoa triển khai đã đặt ra những yêu cầu khá mới mẻ với SV, khác với cách dạy truyền thống.

Khóa học yêu cầu SV làm việc trong một nhóm để thiết kế và xây dựng bộ robot hai trong một là robot có thể nhận diện và tránh những chướng ngại vật. Qua đó, SV học các kỹ năng thiết kế - xây dựng bằng cách tạo được một khung gầm robot có khả năng biến đổi đáp ứng một số yêu cầu trong dự án và có thể gắn thêm nhiều thiết bị ngoại vi vào khung gầm robot của họ.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục thuộc Trường ĐH Bách khoa, để đạt được những lợi ích trên, SV cũng phải thay đổi thói quen học theo kiểu truyền thống.

“Các em phải chuyển đổi từ làm theo mệnh lệnh sang thực hiện các hoạt động tự định hướng; từ ghi nhớ, nhắc lại sang khám phá, tích hợp và trình bày; từ lắng nghe và thụ động sang giao tiếp, chịu trách nhiệm; từ chỉ biết đến sự kiện, thuật ngữ và nội dung sang thông hiểu các quá trình; từ lý thuyết sang vận dụng lý thuyết; từ lệ thuộc vào giáo viên sang được trao quyền, được kích thích tư duy phản biện”, PGS.TS. Phạm Văn Tuấn nói.

Ngoài ra, giảng viên nếu muốn đưa dạy học theo dự án vào lớp học thì cần phải áp dụng những phương pháp mới như: nhận diện tình huống, hợp tác cùng đồng nghiệp để phát triển các dự án liên môn; quản lý quá trình học tập và hỗ trợ người học tự đánh giá; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý…

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho rằng, dạy học qua dự án được đánh giá là phương pháp phù hợp giúp SV có thể áp dụng các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng chứ không chỉ học nghiên về lý thuyết như hiện nay.

Việc dạy học qua dự án thực ra đã được triển khai trên thế giới, ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Nhiều trường ĐH tại Mỹ xem đây là một chiến lược dạy học hiệu quả giúp SV đáp ứng các tiêu chuẩn cần có và các kỹ năng gồm: giao tiếp, cộng tác, phản biện và sáng tạo, khả năng tự học, nghiên cứu.

Qua việc thực hiện dự án, SV có thể giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp… Đó thực sự là những hành trang SV đang còn hổng khá nhiều khi gia nhập thị trường lao động.

Sắp đến, từ năm học 2018 – 2019 các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) của Trường Đại học Bách khoa sẽ được triển khai theo mô hình “Học qua dự án”. Trong mỗi học kỳ, SV được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây.

Sau đó, SV được giao các dự án hoặc bài tập lớn liên môn. Để thực hiện những nội dung này, SV phải tự đọc thêm, học thêm kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường.

Các dự án thực tế được giảng viên và SV xây dựng, hoặc phối hợp với doanh nghiệp, hoặc có thể do chính SV đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu.

Cuối học kỳ, SV phải báo cáo kết quả dự án và được nhà trường kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng cho từng dự án SV đã thực hiện. “Chúng tôi mong muốn SV ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng, thái độ thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của xã hội, giúp SV nâng cao cơ hội có việc làm cũng như khả năng khởi nghiệp”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.