Vượt qua áp lực mùa thi

.

Cứ đến mùa thi, các sĩ tử lại phải đối mặt với nhiều áp lực trong học tập cũng như sự kỳ vọng của ba mẹ, thầy cô. Làm thế nào để các em vượt qua áp lực này luôn là vấn đề được chính học sinh, gia đình và nhà trường đặc biệt quan tâm.

Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Dự định đăng ký thi các ngành khối A nên lịch học của em Nguyễn Lê C.Ng. (lớp 12/2, Trường THPT Trần Phú) “kín mít” lịch học chính, học thêm, nhất là với 3 môn Toán, Lý, Hóa. “Ngày nào cũng vậy, em học từ sáng đến 9 giờ tối mới về, rồi tranh thủ làm thêm bài tập đến 11 giờ đêm mới đi ngủ. Nhiều khi cũng cảm thấy căng thẳng”. Lịch học dày đặc nên Ng. cho biết em không còn thời gian để chơi thể thao hay xem những bộ phim yêu thích.

Cũng đăng ký thi các ngành khối A năm nay, em Lê Thị B.Nh. (Trường THPT Phan Châu Trinh) đang dồn sức lực cho việc học. Nh. cho biết, ngoài thời gian học trên lớp, học thêm, em còn học nhóm và tìm kiếm thông tin qua mạng Internet. “Ba mẹ muốn em thi đậu vào Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nên em phải cố hết sức để ba mẹ khỏi buồn”, Nh. thổ lộ.

Theo khảo sát tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, có khoảng 20% học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng bị rối loạn tâm lý. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do áp lực học tập.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương (giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), người từng đi tư vấn tâm lý ở nhiều trường học tại Đà Nẵng cho biết, vấn đề mà các học sinh hay gặp phải là nỗi lo sợ.

“Học sinh thường nói trước khi thi tụi em rất sợ làm bài không đạt kết quả như ý muốn rồi mất mặt với bạn bè, không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Tôi thường hỏi các em muốn làm gì trong tương lai, các em đang gặp khó khăn gì và cần làm gì để tháo gỡ khó khăn đó”, TS Phương nói.

Thực tế hiện nay, nhiều em không muốn thi vì sức học yếu hoặc rơi vào hoàn cảnh bắt buộc chọn học ngành không yêu thích do bị bố mẹ áp đặt. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại không hiểu tâm lý của con; các em lại không đủ lý lẽ bảo vệ điều mình mong muốn nên dẫn đến xung đột lâu dài, căng thẳng.

Theo TS Phương, cha mẹ không nên tạo áp lực cho con và đặt kỳ vọng quá khả năng có thể của con khiến các em nghĩ chỉ có vào được đại học mới là con đường duy nhất để thành công. Đồng thời, để việc học đạt hiệu quả, các em cần cân bằng giữa vui chơi và học tập chứ không nên chỉ dồn sức cho mấy tháng cuối dẫn đến không bảo đảm sức khỏe khi bước vào phòng thi.

Hiện nay, TS Phương cùng nhóm giảng viên khoa Tâm lý của Trường Đại học Sư phạm đang nhận hỗ trợ tham vấn tâm lý cho học sinh (thời gian từ nay đến hết tháng 9-2018). Học sinh chỉ cần liên lạc vào số điện thoại 0901.152152 để được chia sẻ dù ở bất kỳ thời điểm nào.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đơn vị cũng đã phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai một số dự án mang tính chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường; trong đó, các em được trang bị các kỹ năng tự giải quyết vấn đề và tự lựa chọn phương án giải quyết vấn đề, nhất là những khó khăn, áp lực khi mùa thi cận kề.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.