Đề phòng đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ mùa hè

.

Mùa hè là thời điểm trẻ em cùng người thân, bạn bè tham gia các hoạt động vui chơi, dã ngoại, tắm biển, sông nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước và các tai nạn thương tích khác.

Các chuyên gia từng khuyến cáo, trong trường hợp xảy ra sự cố, người thân cần có các biện pháp sơ, cấp cứu cần thiết trước khi quá muộn.

Nên dạy bơi cho trẻ đúng tuổi, giám sát các hoạt động vui chơi, dã ngoại để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ. TRONG ẢNH: Hàng ngàn người dân, du khách, trong đó có trẻ em tắm biển Đà Nẵng mỗi ngày. (Ảnh minh họa)
Nên dạy bơi cho trẻ đúng tuổi, giám sát các hoạt động vui chơi, dã ngoại để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ. TRONG ẢNH: Hàng ngàn người dân, du khách, trong đó có trẻ em tắm biển Đà Nẵng mỗi ngày. (Ảnh minh họa)

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng những ngày qua liên tục tiếp nhận những bệnh nhi bị tai nạn đuối nước. Cháu T.VH. (9 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) vừa được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị đuối nước dẫn đến hôn mê.

Trước đó, cháu H. cùng các bạn trong lớp tham gia một buổi thực tế, tham quan một số danh lam, thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Trong lúc vui đùa, không may H. bị trượt chân té vào hồ nước tại một điểm tham quan. Mặc dù được mọi người phát hiện và sơ cứu kịp thời nhưng do sặc nước, lại có chút hoảng loạn nên H. được đưa vào bệnh viện để theo dõi, điều trị.

Theo Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trong vòng 3 tuần qua đã có 5 trẻ bị ngạt nước được đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Trong khi đó, dọc các bãi tắm ven biển trên địa bàn thành phố, hằng ngày có rất nhiều trẻ em theo chân người lớn đi tắm biển. Chiều 23-5, chị Lê Hoài Khanh, một du khách đến từ Hà Nội hớt hải tìm đến lực lượng cứu hộ tại bãi tắm Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) thông báo về việc cháu Nh. (7 tuổi), con gái chị, trong lúc đi tắm biển cùng gia đình đã bị lạc mất.

Lực lượng cứu hộ, an ninh trật tự (Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch) phải cử nhân viên tỏa ra các hướng, đồng thời phát thông báo trên loa phóng thanh để tìm cháu. Theo đội cứu hộ, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận thông tin và tìm kiếm từ 20-30 trẻ em đi lạc tại các bãi biển.

Thực tế này xuất phát từ việc người lớn mải mê tắm biển, vui chơi mà không theo sát những bước đi của con. Giữa biển người mênh mông, chỉ một chút sơ sẩy có thể khiến trẻ em đón nhận hậu quả đau lòng.

Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ cho biết, áp lực của lực lượng cứu hộ vào mùa cao điểm du lịch là rất lớn. Du khách mải chơi đùa, tắm biển nên rất dễ rơi vào các vùng xoáy, hoặc bơi quá xa bờ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Đặc biệt, theo anh Vinh, đó là sự an toàn của trẻ em khi bị lạc mất người thân trong lúc tắm, hoặc vui đùa trên cát. “Lực lượng chúng tôi chỉ có 89 người nhưng phải quản lý 19 khu vực bãi tắm dọc hai tuyến đường Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành, chia làm 3 ca thay nhau trực để kịp thời xử lý sự cố nên rất vất vả.

Chính vì thế, người dân, du khách khi đi tắm biển nên biết cách tự bảo vệ mình, đặc biệt là bảo vệ sự an toàn cho trẻ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, anh Vinh cho biết. Hằng năm, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch đều gửi công văn đến các trường học, đặc biệt là bậc tiểu học, nhắc nhở, cảnh báo nguy cơ đuối nước vào dịp hè tại các địa điểm như bãi tắm công cộng, sông, hồ.

Theo bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, mùa hè là thời điểm nhiều trẻ em thường bị các dạng tai nạn thương tích như nuốt phải dị vật, bỏng nước sôi, côn trùng cắn.

Trẻ em dưới 5 tuổi có thể ngậm các loại đậu phộng, hạt dưa, đồ chơi gây nghẹt đường thở. Đối với trẻ em vùng quê, có thể bị côn trùng, rắn, rết cắn trong lúc vui chơi. Đặc biệt, rất nhiều trẻ em tiếp cận nước sôi, thức ăn nóng gây bỏng và để lại di chứng hết sức nặng nề.

Trong số những tai nạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ngạt nước và đuổi nước là hiện tượng thường gặp nhất vào các kỳ nghỉ hè. Những tai nạn này nếu được cứu sống kịp thời cũng có thể để lại di chứng hết sức nặng nề do tổn thương não. Khi xảy ra sự cố, người lớn cần bình tĩnh và phải biết cách sơ, cấp cứu đúng cách.

“Riêng trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không được dốc ngược lên khiến trẻ có nguy cơ bị sặc đường thở hoặc tổn thương não, cột sống. Nếu ngưng tim, ngưng đường thở thì cần tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường trước khi được chuyển đến bệnh viện.

Để phòng, chống đuối nước hiệu quả, các bậc phụ huynh nên cho con, em mình học bơi đúng độ tuổi, các bể bơi cần được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ. Khi tham gia các hoạt động tham quan, du lịch, ngoại khóa cần giám sát trẻ chặt chẽ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Hội cho biết.

Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH

;
.
.
.
.
.
.