Ôn tập thi THPT quốc gia 2018: Áp lực do phạm vi kiến thức rộng

.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia 2018 bắt đầu, nhưng theo phản ánh của nhiều giáo viên và học sinh, năm nay, phạm vi kiến thức quá rộng làm tăng áp lực trong việc ôn tập.

Việc ôn tập của học sinh lớp 12 năm nay căng thẳng hơn vì phải ôn cả chương trình lớp 11. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 12 của Trường THPT Thái Phiên tích cực ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Việc ôn tập của học sinh lớp 12 năm nay căng thẳng hơn vì phải ôn cả chương trình lớp 11. TRONG ẢNH: Học sinh lớp 12 của Trường THPT Thái Phiên tích cực ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Những ngày này, cũng như học sinh lớp 12 toàn thành phố, hơn 800 học sinh của Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018. Theo phản ánh của nhiều học sinh, việc ôn tập rất áp lực bởi phải ôn cả kiến thức lớp 12 và 11.

Em Nguyễn Thị Minh Châu (lớp 12/1) cho biết, em đã làm đề minh họa của Bộ GD-ĐT và thấy năm nay đề khó hơn, phân hóa hơn năm trước. “Em có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nên chọn thi tổ hợp tự nhiên.

Vừa phải học hết kiến thức lớp 12 và ôn tập sâu cả chương trình 11 nên khối lượng kiến thức nhiều, em lo không nắm chắc hết được. Dù em đã luyện giải đề hàng chục lần nhưng vẫn chưa cảm thấy tự tin”.

Còn em Lê Thị D. (lớp 12/1) chia sẻ, ngoài học trên lớp, em còn học cùng nhóm bạn, học thêm ở nhà cô giáo nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. “Nhiều lúc em cảm thấy khá căng thẳng bởi thời gian học chiếm gần hết và ít được nghỉ ngơi. Lượng kiến thức quá rộng nên em và các bạn phải ôn tập dàn trải, mất nhiều công sức. Chỉ mong sao đề thi không quá khó để có thể vượt qua kỳ thi này”, D. bộc bạch.

Là giáo viên lâu năm và có kinh nghiệm trong việc ôn tập cho học sinh, nhưng thầy Hà Thúc Quang, giáo viên Lịch sử của Trường THPT Thái Phiên vẫn không khỏi lo lắng.

“Năm nay chương trình ôn thi nhiều hơn do có lượng kiến thức của lớp 11. Sau khi phân tích đề minh họa, chúng tôi thấy có khoảng 20% là chương trình lớp 11.

Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, dù lượng kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 20% trong đề nhưng không có giới hạn nên các em phải ôn tập hết cả chương trình”, thầy Quang nói.

Theo thầy Quang, riêng với môn Lịch sử - vốn được coi là môn khó để đạt điểm cao, thầy định hướng cho học sinh không quá chú trọng về học thuộc lòng số liệu mà phải nắm ý nghĩa của sự kiện lịch sử, đồng thời phải nắm vững sách giáo khoa để loại các câu hỏi gây nhiễu và có bài tập trắc nghiệm sau mỗi bài học để hệ thống lại kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Thái Phiên cũng cho biết, với đề thi năm nay, các em phải học thêm chương trình của lớp 11, trong đó có nhiều phần khó. “Với môn Sinh, năm ngoái chỉ có 2 tiết/tuần nhưng năm nay nhà trường chỉ đạo có thêm 1 tiết phụ đạo/tuần, nâng tổng số lên 3 tiết/tuần. Trên lớp hiện nay chỉ đủ thời gian ôn kiến thức trọng tâm, còn lại học sinh phải tự ôn luyện thêm ở nhà”, cô Giang nói.

Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, thời gian qua, thầy cô tăng cường việc kiểm tra để học sinh quen với cách làm bài thi, đồng thời qua đó giúp các em biết rõ năng lực bản thân và bổ sung kiến thức. Thi dưới hình thức trắc nghiệm nên kiến thức nào trong chương trình học cũng có thể được đưa vào đề, vì vậy giáo viên quán triệt cho học sinh phải nắm chắc nội dung, không học tủ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngay từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo việc học đến đâu chắc đến đó, đồng thời ôn tập, mở rộng kiến thức ở các bộ môn mà học sinh tham gia dự thi. Ngoài ra, các trường cũng tăng cường một số buổi dạy để kết thúc sớm một số môn như: Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất… trong tháng 4 để học sinh tập trung cho các môn thi tốt nghiệp.

“Theo cấu trúc chung của Bộ GD-ĐT, đề thi gồm những câu hỏi kiến thức lớp 12 và 11 nên chúng tôi đã sớm biên soạn bộ đề thi gồm kiến thức ở cả hai khối lớp để học sinh tiến hành ôn tập. Ngành cũng tổ chức thi thử trong tháng 5 để các em có điều kiện tập dợt chuẩn bị cho kỳ thi thật vào tháng 6”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng nếu có nguyện vọng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.