Hun đúc tình yêu lịch sử cho học sinh

.

Sau gần 10 năm chương trình giáo dục địa phương được triển khai trong các trường khối tiểu học và THCS, học sinh nắm được lịch sử văn hóa, cách mạng của địa phương, hun đúc cho các em niềm tự hào về truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với quê hương.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ học lịch sử tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ học lịch sử tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Giáo dục ý thức và niềm tự hào trong học sinh

Hầu hết các trường trên địa bàn thành phố đưa môn học Giáo dục địa phương vào dạy cho học sinh từ lớp 6. Chương trình gồm 7 chủ đề, cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản về lịch sử, địa lý, văn hoá, kinh tế, môi trường..., giúp hiểu đúng về những giá trị đặc trưng của vùng đất này, gieo niềm tự hào và ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó. Từ năm 2022, chương trình lồng ghép thêm phần lịch sử đảng bộ của địa phương. Hiện nay nội dung môn học được số hóa để học sinh và phụ huynh có thể tra cứu trực tiếp trên ứng dụng web và mã QR.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cho biết, hiện nay học sinh khối lớp 6, 7, và 8 học mỗi tuần một tiết môn Giáo dục địa phương, còn học sinh lớp 9 học 2 tiết/học kỳ. “Từ khi lồng ghép thêm phần lịch sử đảng bộ, chương trình Giáo dục địa phương dày dặn hơn. Học sinh được biết về lịch sử hình thành, phát triển của nơi các em đang theo học, trong đó có những giá trị riêng có của địa phương, kết hợp với học trải nghiệm ở các bảo tàng giúp các tiết học linh động hơn”, thầy Phước chia sẻ.

Ngoài chương trình dành cho học sinh THCS, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu triển khai giảng dạy lịch sử đảng bộ quận cho học sinh tại các trường tiểu học nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của học sinh trên địa bàn quận về quá trình phát triển của quận Hải Châu. Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia các cuộc thi như viết bài giới thiệu về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, thi “Em làm thuyết minh viên” dành cho các trường THCS và thi vẽ tranh “Em yêu Đà Nẵng” dành cho các trường tiểu học trong chương trình lễ hội Đình làng Hải Châu năm 2022.

Tại huyện Hòa Vang, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đưa lịch sử đảng bộ huyện vào giảng dạy trong các trường THCS từ năm 2022. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Văn Hoàng cho biết, khi chưa được tham gia học lịch sử Đảng bộ Hòa Vang và lịch sử kết nghĩa giữa hai huyện Hòa Vang - Quảng Xương, đa số học sinh ít chú ý hoặc còn mơ hồ về kiến thức lịch sử; sau khi triển khai giảng dạy, các em có hứng thú hơn đối với nội dung học, nhiều em chủ động hơn trong việc khai thác kiến thức lịch sử Đảng bộ địa phương và tự tìm hiểu về tình kết nghĩa giữa hai địa phương từ trước đến nay.

“Học sinh nắm được lịch sử của Đảng bộ huyện sẽ hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với quê hương. Qua đó giúp các em có ý thức và tự hào về quê hương, biết tôn trọng gìn giữ tình kết nghĩa Hòa Vang - Quảng Xương”, ông Hoàng nói.

Ngoài việc giảng dạy trên lớp, các trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử quê hương”, cho học sinh tham quan thực tế các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện…

Nâng cao nhận thức lịch sử, văn hóa địa phương

Bên cạnh chương trình chính khóa, các giờ học lịch sử, văn hóa ở bảo tàng hơn 10 năm qua luôn nhận được sự hào hứng của học sinh các cấp học, tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của di sản, di tích trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ.

Chương trình “Em yêu lịch sử” được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng từ năm 2011 xoay quanh các chủ đề về lịch sử - văn hóa của thành phố. Kiến thức lịch sử được cung cấp thông qua các hình thức chơi rung chuông vàng, trò chơi tìm hiểu, phần thi hùng biện... Hay chương trình “Giờ học ngoại khóa” và “Ngược dòng ký ức” được triển khai từ năm 2014, tạo ra những giờ học ngoại khóa sinh động và hấp dẫn cho học sinh thông qua các tài liệu, hiện vật được trưng bày ở bảo tàng. Các chương trình ngoại khóa tại bảo tàng được xem như một giờ học chất lượng với một phương pháp truyền đạt, trao đổi khác ở trường lớp, giúp các em mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tiếp cận và học hỏi những kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương.

Năm học 2022 - 2023, Bảo tàng Đà Nẵng đón tiếp và phục vụ thuyết minh cho gần 42.000 học sinh, sinh viên đến tham quan học tập tại Bảo tàng và Di tích thành Điện Hải, trong đó có 2.050 học sinh tham gia chương trình “Giờ học ngoại khóa” và “Ngược dòng ký ức”.

HIỀN LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích