.
Tản văn

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về...

.

Một ngày đầu xuân, tôi ngồi tỉ tê cà phê với bạn bè, đứa bạn thân đưa cho tôi bản nhạc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao, bạn bảo, 30 năm rồi, bài hát này vẫn mới như hơi thở của người nhạc sĩ tài hoa thuở ấy. Tôi đọc lại những ca từ trong ca khúc và nhận ra những khoảng trống đời người bất chợt. Chợt thấy sống mũi cay cay “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về, mùa bình thường mùa vui nay đã về…”.

Da diết, tự hào nhưng có chút gì đó nặng lòng trắc ẩn. Mùa xuân đầu tiên được nhạc sĩ Văn Cao viết trong những ngày đầu tiên đất nước giải phóng. Thời gian, gần xa với một đời người. Mỗi độ xuân về, khi trời đất giao hòa, khi con người nhẹ bẫng với những cảm khoái đầy viên mãn, tự nhiên những ca từ của của Văn Cao lại làm say đắm lòng người.

Mùa xuân đầu tiên với những ca từ chân phương đến mê đắm: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về - Mùa bình thường mùa vui nay đã về - mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên - Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông - một trưa nắng cho bao tâm hồn. Rồi khi trong phút giây chứa chan yêu thương đó, những lời nhạc có hồn hơn, sâu lắng hơn “Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết quê người…”.

Mỗi độ xuân về, mỗi mùa xuân cách mạng, đất nước đổi thay và hạnh phúc ấm từng nhà, ấm lòng người. Mùa xuân đầu tiên là hạnh phúc đầu tiên, là niềm vui đầu tiên của người nhạc sĩ, mà trước hết đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của một người Việt Nam khi đất nước hai miền nối liền một dải. Nam - Bắc một nhà, tình yêu thương của những người đã từng vào sinh ra tử, từng giấu nước mắt vào lòng và đón đợi mùa xuân độc lập. Mùa xuân đầu tiên đã đi theo mỗi bước chân người, lòng rưng rưng nhớ, rưng rức cảm giác hòa vào, tan vào nhau mỗi độ giao mùa.

Những gương mặt mùa xuân, những trải nghiệm đắm say của mỗi người khi cất lên tiếng hát với những giai điệu mượt, nhẹ bẫng: “Rồi dặt dìu mùa xuân nay đã về…”. Mùa xuân nay nghĩa là mùa xuân của sum họp một nhà của lòng người với bao nỗi đắm say. Sẽ là những cái bắt tay nồng ấm, những giọt nước mắt nhớ mong, những bước chân không mỏi tìm về tổ ấm, tìm về quê hương.

Mỗi độ xuân về, tôi thường bị ám ảnh bởi nhiều điều chưa trọn vẹn. Đó là nỗi nhớ, đôi khi đầu đông, đôi khi chạm vào khoảng lặng, đôi khi chạm vào những lặng yên không thể thành lời. Một chiều cuối năm, ngoảnh mặt nhìn mình trong gương, thấu tận tâm can nỗi mơ hồ về mùa xuân đầu tiên ấy. Mùa xuân khi tôi mới chào đời, mùa xuân khi cha tôi được về đoàn tụ với gia đình sau nhiều tháng năm xa cách.

Bao mùa xuân đến rồi đi. Những khoảnh khắc đời người chật hẹp. Xuân về, khi đêm giao thừa người người đi hái lộc, tôi lại dành ít phút để nghe lại ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. Cái cảm giác của tôi lúc bấy giờ, đó là sự nhẹ bẫng của tâm hồn hướng thiện. Mùa xuân, nhớ Văn Cao, nhớ người nhạc sĩ tài ba với những ca khúc hay để lại cho đời: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Có cánh én báo hiệu mùa xuân đang độc tấu bản nhạc giao mùa trên hiên nhà. Mùa xuân đầu tiên – mùa xuân bây giờ - bình yên và hy vọng. Đó là tình yêu quê hương tha thiết, là tâm hồn người nhạc sĩ để lại cho cuộc đời. Bất chợt, đôi môi lại ngân lên khúc hát “Rồi dặt dìu mùa xuân nay đã về…”.

PHỤC THY

;
.
.
.
.
.