.

Đi tìm điệu Hò đưa linh

.

Nhạc sĩ Trần Hồng vừa trình làng văn nghệ thành phố và cả nước đứa con tinh thần khá mới lạ, viết về những điệu Hò đưa linh.

Bìa sách Hò đưa linh.
Bìa sách Hò đưa linh.

Hướng về nguồn cội

Hò là hình thức diễn xướng được phổ biến khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ vùng sông nước, biển cả, đồng bằng cho đến trung du, miền núi. Qua những điệu hò có thể tìm thấy một thế giới sinh động, phong phú, chân thực trong đời sống lao động, tư tưởng, tình cảm của người Việt từ xưa đến nay. Có nhiều kiểu hò như: hò khoan, hò ba lý, hò chèo thuyền, hò mái ba, hò đua ghe, hò leo dốc, hò đi cấy, hò kéo gỗ, hò giã gạo, hò nhân ngãi, hò giao duyên… Còn Hò đưa linh là hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian, có ca - múa - hát - hò để đưa người qua đời về nơi an nghỉ.

Người Việt từ xa xưa đã quan niệm “sống dầu đèn, chết kèn trống” nên cứ hễ đám tang thì có kèn trống, có nhạc rồi có múa… Theo nhạc sĩ Trần Hồng, đi tìm điệu Hò đưa linh là cách hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đồng đội đã khuất và cả những người vô danh ngã xuống cho sự sống hôm nay. Với mong muốn ghi lại cho đời sau những quan niệm, lề thói, lễ nghi quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, cuốn sách gần 500 trang (khổ 14,5x20,5cm) không chỉ đơn thuần ghi lại những điệu hò khi đưa tiễn người chết của tất cả các vùng, miền trên cả nước mà tác giả còn cẩn trọng sưu tầm, tỉ mỉ ghi chép toàn bộ cách thức tổ chức tang lễ, thờ phượng, từ cách đặt bát cơm, đôi đũa, cách vấn khăn, mặc áo quần… Dù mỗi vùng, miền, mỗi dân tộc có cách nghĩ, cách tổ chức đưa tiễn vong linh người quá cố khác nhau nhưng tất cả phải có gốc, có rễ; nếu không kịp ghi lại, gốc rễ ấy có nguy cơ bị bào mòn. Nhạc sĩ Trần Hồng đã lý giải như thế cho hành trình suốt mấy chục năm lăn lộn, bất chấp đèo cao, sông sâu để tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách quý của mình. Ông tâm sự, khổ nhọc nhất là quá trình đối chứng để tìm ra cứ liệu đúng nhất, một chút nghi ngờ cũng phải kiểm chứng lại. “Không thể viết ẩu vì cuốn sách là tài liệu tham khảo, là một phần quan trọng trong vốn văn hóa truyền thống của tiền nhân để lại cho hậu thế”, nhạc sĩ Trần Hồng chia sẻ.

Trăn trở

UBND thành phố đã đồng ý cấp 30 triệu đồng hỗ trợ nhạc sĩ Trần Hồng xuất bản cuốn sách Hò đưa linh. “Đây là nguồn động viên, động lực rất lớn đối với văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu chúng tôi”, nhạc sĩ Trần Hồng xúc động.

Nói về cuốn sách Hò đưa linh của nhạc sĩ Trần Hồng, ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, khẳng định: “Trước Trần Hồng, không ít công trình viết về Hò đưa linh, về việc tổ chức cúng tế, tang lễ, nhưng chỉ dừng lại ở những chương, mục, bài viết nhỏ chứ chưa thành công trình độc lập, hệ thống như thế này. Đây là một pho tư liệu quý”.

Đó không chỉ là ý kiến riêng Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, mà những người chuyên nghiên cứu, tâm huyết với vốn văn hóa truyền thống dân tộc đều nhận định như vậy. Song, Hò đưa linh hay những công trình nghiên cứu văn hóa lịch sử có giá trị tương tự  khi được hoàn thành, xuất bản cũng chỉ được một bộ phận rất nhỏ độc giả để ý, chủ yếu là giới nghiên cứu hoặc một số người lớn tuổi, còn phần lớn không ai mặn mà, đặc biệt là giới trẻ. Bởi thế, nhạc sĩ Trần Hồng và những người cũng tâm huyết với ông vẫn thường băn khoăn: “Viết để đời sau nhưng liệu… sách có đến được đời sau?”.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.