.

Di tích cấp quốc gia xuống cấp

.

Đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) là di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2007. Mặc dù mới được trùng tu năm 2011, nhưng một số hạng mục của đình làng Thạc Gián đã bị xuống cấp.

Mới được trùng tu nhưng bờ tường trước bức bình phong đã bị nứt đôi.
Mới được trùng tu nhưng bờ tường trước bức bình phong đã bị nứt đôi.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, là con cháu dòng họ Nguyễn Ngọc, có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, hương khói tổ tiên ở đình làng Thạc Gián cho biết con cháu trong họ ai cũng muốn giữ được đình làng, và sau khi được trùng tu đẹp đẽ như hiện nay thì càng muốn giữ gìn đình cho nhiều thế hệ sau. Tuy nhiên, từ lúc trùng tu đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp hoặc đối chiếu với bản thiết kế thì thấy không giống bản vẽ về cổng ngõ, hệ thống cây xanh, nhà vệ sinh… Được biết, sau khi bàn giao đình không lâu, một số bóng đèn cao áp ngoài vườn bị cháy nổ, nhiều tháng không sáng, trụ bình phong hai bên đều bị nứt đôi, nghiêng gần 200, lo ngại sẽ đổ bất cứ lúc nào. Cứ mỗi lần mưa lớn, nước lại nhỏ xuống sàn đình, một số cây cột trong đình bị mối mọt xông, bột gỗ rơi đầy dưới chân cột. Thậm chí, nhà vệ sinh sau khi thi công xong không có đường ống dẫn nước, một số con cháu trong họ đã phải bỏ tiền túi ra để lắp đặt đường ống dẫn thì mới có nước dùng.

Được biết, ngoài đình làng Thạc Gián còn có ngôi mộ cổ. Hiện nay ngôi mộ ở tổ 4, phường Chính Gián, bị các nhà bao vây xung quanh. Mặc dù con cháu dòng họ Nguyễn Ngọc đã xin UBND thành phố được di dời mộ nhưng vì đây là ngôi mộ cổ trên 100 năm nên không thể di dời được. Muốn thắp hương cho tổ tiên thì phải đi nhờ đường luồn của một nhà dân. Mỗi lần đình làng có lễ hội sẽ thông báo hoặc nhờ trước để chủ nhà mở cửa cho vào, còn những lần con cháu ở xa về muốn thăm mộ tổ tiên, muốn thắp hương thì đành chờ vào… may rủi, có người ở nhà thì vào, còn không thì thôi.

Là một trong những người trực tiếp theo dõi, đôn đốc thợ trong công tác trùng tu, ông Nguyễn Ngọc Nghỉ giải thích rằng, vì đây là trùng tu nên chỉ thay một số cột, kèo quá cũ, còn không thì vẫn tận dụng để giữ được những cái nguyên bản của đình làng. Vì vậy, sau khi trùng tu xong đình làng Thạc Gián, chỉ có 5/32 cột được thay mới. Đa số những cây cột được trùng tu đều trên 100 năm tuổi, dù bị mối, mọt xông nhưng vẫn còn giá trị sử dụng nên đã tận dụng bằng cách xử lý mối, mọt, sau đó lấy bột gỗ và keo trám lại, rồi sơn phủ lên để bảo đảm nguyên bản. Qua mấy năm nay, một số cột đã bị mọt trở lại.

Lý giải về việc một số hạng mục sau khi thi công không giống thiết kế, ông Nghỉ cho biết mặc dù kinh phí trùng tu hơn 4 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ dùng khoảng 50%, số còn lại dùng vào việc đền bù giải tỏa cho những hộ dân ở quanh đó nên phải tính toán sao cho hợp lý. Vì vậy mới có việc một số hạng mục cây xanh không giống thiết kế. Khi thiết kế, dưới chân bờ tường của hai trụ bình phong do có đường ống nước nên khi mưa, nước chảy dẫn đến sụt lún, hư hại, làm yếu công trình. Ông Nghỉ cho biết, những hạng mục này đều đã được trình bày với lãnh đạo địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Theo bà Phan Thị Hà Bắc, Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin quận Thanh Khê, đình làng Thạc Gián là một trong những đình làng được trùng tu tốt nhất. Song, cùng với thời gian, một số hạng mục bị phơi nắng, phơi mưa có những ảnh hưởng nhất định. Với hạng mục điện, nước khi bị hư hỏng đều có kế hoạch sửa chữa từ khoản kinh phí của phường. Sắp tới đình làng sẽ tổ chức lễ hội lần thứ hai nên các hạng mục sẽ sớm được sửa chữa để bảo đảm cảnh quan, an toàn cho người tham gia lễ hội. Riêng với ngôi mộ cổ mặc dù không có đường đi vào riêng nhưng hiện chưa có kế hoạch thay đổi.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ
 

;
.
.
.
.
.