.

Tôi và một đám Pơ thi…

.

Nghe tôi phàn nàn rằng, ở Tây Nguyên cũng lâu mà chưa được dự một đám Pơ thi ưng ý, miền tâm linh hoang dã của lễ hội đã bị luộc chín hoặc pha tạp quá nhiều, bạn tôi ngẫm nghĩ rồi bảo: “Bây giờ, ông có về Krông Pa thì may ra. Hai ngày nữa ở buôn Ma Nhe, xã Đất Bằng sẽ có một đám Pơ thi nghe nói rất to…”.  

Tượng nhà mồ  của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.  Ảnh: HUY ĐẰNG
Tượng nhà mồ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: HUY ĐẰNG

Krông Pa là vùng đất phía Đông-Nam Gia Lai. Thời các chúa Nguyễn, việc giao lưu với các Pơtao Ya, Pơtao Puih (Vua Nước, Vua Lửa) thường từ Phú Yên qua đất Krông Pa. Bởi vậy, cư dân bản địa đã tiếp xúc với người Kinh từ rất sớm… Ấy thế nhưng đến tận bây giờ, người Jrai nhiều nơi vẫn theo những tập tục rất cổ - tỉ như là thi lặn nước để phân xử mâu thuẫn, tranh chấp; con gái bắt chồng được “cưới nợ”; chồng chết, vợ phải xõa tóc, kiêng tắm rửa trong vòng một tháng… Đất Bằng lại là nơi xa nhất của huyện này. Một đám Pơ thi sống sít, tươi ròng bản gốc là có thể…

Chẳng khó khăn lắm tôi cũng tìm được chủ nhân của đám Pơ thi là chị MLak. Nhà chị giàu nhất buôn. Lẽ nữa, Pơ thi dẫu là của một nhà nhưng cũng là của chung cả làng. Tây Nguyên là thế, chẳng lễ lạt nào của một nhà mà lại không có can dự của cả cộng đồng.

MLak có lẽ mới ngoài 30 tuổi. Chị là con độc nhất của ông Kpah Lem. Tục lệ người Jrai, con gái phải nuôi cha mẹ, được kế thừa tài sản - và đương nhiên phải chịu mọi phí tổn tang ma. Bằng một giọng buồn buồn chị kể: Hôm “ông già” chết, người đến dự đông lắm. MLak phải đập con heo gần một tạ, một con bò cái to và 20 ghè rượu cần - ấy là chưa kể các thứ họ hàng mang đến viếng - mới đủ cho cả trăm con người đưa ma ăn uống suốt 3 ngày đêm.

Đưa ma xong rồi, MLak làm cái mả xi-măng cho cha tốn hơn 3 triệu đồng (tục lệ này mới có khoảng 2 năm trở lại đây). Một người trong nhà ngày ngày phải trực đưa cơm ra mả gọi hồn ông Plem lên “ăn cơm”. “Nuôi mả” đến đúng một tháng thì MLak làm lễ cúng mả. Lễ cúng phải đập một con bò lớn, một con heo 50kg và hàng chục ghè rượu. Chừng đó mới vừa đủ để họ hàng và đám thanh niên đến đánh chiêng, nhảy xoang bên mả ăn uống suốt 3 ngày đêm…

Xong lễ cúng mả rồi nhưng người chết vẫn cứ phải được “thăm nuôi” tiếp tục. Tháng thứ hai: 2 ngày một lần đưa cơm. Tháng thứ ba: 3 ngày… cứ giảm theo tỷ lệ thuận như thế cho đến tháng bỏ mả. Hết mỗi tháng còn phải làm lễ cúng và mời họ hàng, khách khứa y như lần trước… Trong 10 tháng “nuôi mả”, nhà MLak đã tốn hết 10 con bò, 10 con heo với hàng trăm ghè rượu. Thế nhưng, đó chỉ mới là phần nghi lễ dạo đầu…

Khi những gié lúa cuối cùng được tuốt cất vào kho cũng là lúc hoa pơ lang nở đỏ trời. Đấy cũng là thời điểm người Tây Nguyên bước vào mùa Pơ thi. Người chết sẽ được tổ chức lễ bỏ mả để về với A tâu (làng ma) vĩnh viễn. Pơ thi là nghi lễ cuối cùng của vòng đời một con người, nên phải được tổ chức thật chu đáo… Khá giả như nhà MLak mà phải chuẩn bị bỏ mả trước nửa năm. Lễ vật cúng gồm 2 con bò, 9 con heo, 50 ghè rượu. Và cũng bởi được tiếng khá giả nên MLak còn phải chịu thêm lễ đâm trâu. Con trâu đực lớn phải mua hết 8 triệu đồng. Ngày ngày một người trong nhà được cắt riêng ra chăm sao cho thật béo, thật mượt. “Mang tiếng nhà có của mà đâm trâu gầy người ta cười chết”, MLak nói…

Sáng hôm sau, mặt trời lên khỏi ngọn cây rừng chừng một con sào, lễ bỏ mả cho ông Plem chính thức bắt đầu… Con trâu da bóng mượt được dắt ra cột vào cột klao dựng trước sân nhà mả. Một người có uy tín trong làng được giao nhiệm vụ đâm trâu. Đội chiêng làng có mặt đông đủ từ trước bắt đầu tấu lên bài chiêng “Rửa mặt” rồi nối tiếp bài “Ăn trâu”. Hết 3 vòng múa, ngọn giáo trong tay người đâm trâu lao vút ra găm vào nách con vật với độ chính xác kinh ngạc. Con trâu khuỵu xuống rống lên thảm thiết. Đợi nó chết hẳn, một người già lấy dây cao su buộc mõm lại rồi cắt nguyên chiếc đầu cùng với đuôi treo lên cột. Tiếp đến là số phận của hai con bò. Tuy nhiên, chúng không phải đâm mà bị dùng vồ đập vào đầu cho chết. Cả 9 con heo cũng bị hóa kiếp theo cách ấy. Sau đó, chúng lần lượt được kéo đến đống lửa lớn để thui…

Lễ đâm trâu như vậy đã xong. Lúc này mới khoảng 9 giờ sáng. Nó có phần đơn giản bởi là lễ đâm trâu gia đình. MLak gặp tôi bảo, anh cứ đi đâu đó chơi, khi nào nghe tấu “chiêng mời” thì ra uống rượu. Chẳng biết đi đâu, tôi về Ủy ban xã trèo lên chiếc bàn đầy bụi làm một giấc… Tỉnh dậy nhìn đồng hồ thấy đã quá trưa. Chẳng biết đã có “chiêng mời” hay chưa nhưng áng giờ này chắc mọi người đã vào cuộc rồi, tôi vội vã đi ra nhà mả. Bữa tiệc hóa ra vẫn chưa chuẩn bị xong. Đội đầu bếp vẫn mải miết với công việc. Từng đống thịt to lù được lót lá để ngay trên mặt đất cạnh năm, sáu chiếc chảo lớn đang sôi sùng sục. Hơn chục người đàn ông đang cắm cúi cắt thịt. Chẳng có thớt, họ kẹp ngửa lưỡi dao vào kẽ ngón chân cái rồi để thịt lên cứa. Được miếng nào là quẵng luôn vào nồi… Một người đàn ông đứng tuổi không biết uống rượu khi nào say quá bò ra đất mà ngủ. Đầu ông ta gối ngay vào đống thải từ dạ dày của mấy con bò, rồi nhặng bay đen kịt mà cũng chẳng ai buồn đến nhắc ông ta…

Nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ-tu. Ảnh: VĂN NỞ
Nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ-tu. Ảnh: VĂN NỞ

Quá 3 giờ chiều, bữa tiệc bỏ mả mới chuẩn bị xong. Người ta bẻ lá cây nhãn rừng lót thành từng ô trên mặt đất rồi tải thức ăn ra. Các ghè rượu đã được đổ đầy nước xếp thành dãy. Thanh niên, đàn ông, đàn bà chờ đợi vạ vật từ trưa dưới các gốc cây túa lại ồn ào vào cuộc. MLak nói cỡ 500 người nhưng tôi áng chừng hơn thế. Họ ngồi bệt xuống đất và vẫn cách ăn truyền thống - dùng tay bốc… Đất Krông Pa được mệnh danh là “chảo lửa”, trời càng về chiều càng nắng như thiêu. Từng đàn ve gào trên cây thảng thốt. Thỉnh thoảng một cơn gió quẩn lại lồng lên táp cả bụi vào nhưng bữa tiệc vẫn cứ náo nhiệt như thường. Một khoảng rừng vỡ òa những tiếng cười nói. Ngồi bên cạnh tôi là một cậu thanh niên chừng 17 tuổi. Cậu ta xúc thức ăn cho vào chiếc chiêng để ngữa trên đùi rồi dùng tay bốc. Thấy tôi mải nhìn, cậu ta bảo: “Cứ ăn thí xác đi chứ, làm khách à?”. Tôi cười nói lảng: “Lấy chiêng đựng thức ăn, mày không kiêng sao?”. Cậu ta cười: “Nó cũng phải ăn no mới kêu hay được chứ. Như con người thôi mà!”.

... Chiều dần buông trên ngọn cây một màu tím sẫm. Khoảng rừng thưa bắt đầu phân vân một màu sáng tối thì bữa tiệc cũng chùng lại. Già làng đứng lên khoát tay nói một câu gì đó. Ba đội cồng chiêng bước ra tấu chiêng lên. Đám thanh niên uể oải đứng dậy trước. Lần lượt đám con gái rồi đàn ông, đàn bà đứng vào nối vòng xoang. Một thanh niên bước tới châm lửa vào đống củi lớn. Khoảng sáng lảo đảo rồi một màu vàng cam bùng lên giữa không gian tím tái. Ngọn lửa như một chất xúc tác. Những nhịp chân nhanh dần rồi chuyển sang rậm rịch. Khoảng rừng rung chuyển bởi tiếng hú hét, tiếng cồng chiêng dồn dập như lũ cuốn… Tôi vô cùng ngạc nhiên. Cái trần tục của bữa tiệc mới đây đã biến đâu mất trong những con người trước mắt tôi. Một phép nhiệm màu nào đó đã khiến họ thoát xác. Họ như những con người từ một cõi xa lạ đến, đang bồng bềnh trong một thế giới của riêng mình… Và ngạc nhiên sao, tôi thấy mình cũng đang bị cộng hưởng vào cái thế giới đầy quyến rũ ấy… Đang định bước ra nối vòng xoang thì một cán bộ xã gặp lúc trưa nhận ra tôi. Đứt một “cang” với anh, tôi được dẫn tới chúc già làng, trưởng thôn, phó thôn rồi lần lượt là các cán bộ xã có mặt… Mỗi “cang” ít ra cũng là nửa lít - và theo tục lệ thì không được từ chối ai, không được dở “cang” với ai… Ngọn lửa bắt đầu thức dậy trong tôi, dịu êm trong lồng ngực rồi bùng cháy. Tôi cảm giác toàn thân đang có lửa. Từ giây phút này trở đi tôi không còn là tôi. Những khuôn mặt, những tiếng cười, tiếng cồng chiêng, ánh lửa…, tất cả đều quay cuồng, chao đảo… Trong cái cảm giác thực hư, tôi chợt nhận ra mình bị cuốn vào vòng xoang tự bao giờ. Bàn tay mềm mại của một thiếu nữ nóng rực trong tay tôi. Tôi cùng tan ra trong tiếng hú, tiếng nhịp chân rạn vỡ cả màn đêm. Rượu, lửa - vòng xoang cứ theo nhịp điệu của nó mà trôi đi, miên man vô tận… Những khuôn ngực rừng rực màu lửa mỗi lúc một thêm gần. Em gái bên tôi kiêu hãnh ưỡn căng khuôn ngực trinh nữ. Tôi bồng bềnh trong mùi hương ngây ngất của rượu, khói bếp và những thô tháp trần trụi như đại ngàn còn thuở hồng hoang …

Tôi thức dậy với cảm giác con người hóa lửa của mình dịu đi bởi sự mát lành của một con suối nhỏ. Em gái trong vòng xoang ấn vào tay tôi trái bầu con đựng nước, nở nụ cười bẽn lẽn rồi chạy vụt đi. Tôi tu một hơi dài dòng nước mát lành thoang thoảng mùi bùn và lá cây mục và cố sức đứng lên…

Bình minh đã ló dạng trên ngọn cây rừng. Quanh đống lửa còn thoi thóp khói, trai gái, đàn ông, đàn bà và cả những đứa bé nằm lăn lóc. Im lặng như tờ. Tôi phát hoảng với ý nghĩ đang váng vất rằng mình vẫn đang trong thế giới của ma. Một lúc thật lâu mới thấy một người đàn ông cựa mình ngồi dậy. Đảo mắt nhìn quanh một hồi, bỗng nhiên ông ta khóc rống lên. Tiếng khóc của ông kéo tôi về thực tại - rằng tôi đang đứng trước chân trời của buổi bình minh…

Người ta vẫn nói rằng với người Jrai, đêm huyền diệu nhất trong mỗi cuộc đời chỉ có thể là đêm bỏ mả. Đấy là đêm mà người và ma cùng trời đất giao hòa để rồi chia tay nhau vĩnh viễn… Đâu là phần người, đâu là phần ma của tôi trong cái đêm huyền diệu ấy - quả thực cho đến bây giờ tôi vẫn không thể và không thể phân biệt rạch ròi. Cái biên giới ấy như bảy sắc cầu vồng, chỉ có thể cảm nhận được nó trong cái khoảnh khắc ta đã mê đi bị cuốn đi trong cơn cuồng phong vô thức…

NGỌC TẤN

;
.
.
.
.
.