.

Khai quật di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc

.

ĐNĐT - Trung tâm quản lý di sản thành phố phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc, nằm trong khuôn viên đình làng Khuê Bắc, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Khai quật di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc. Chú thích hình: Hiện vật tìm được là những mảnh gốm, từ mộ chum bị vỡ tại vườn đình Khuê Bắc.
Hiện vật tìm được là những mảnh gốm, từ mộ chum bị vỡ tại vườn đình Khuê Bắc.

Diện tích khai quật lần này là 100m2 (5mx20m), cách di chỉ khảo cổ học khai quật lần đầu tiên vào năm 2001 khoảng 10m về hướng Nam.

Qua hiện vật khai quật ban đầu (bao gồm mảnh đồ gốm, đá) các nhà khảo cổ học đánh giá có nhiều nét tương đồng với các lần khai quật trước. Dựa vào đó, có thể xác định lại vườn đình Khuê Bắc có hai tầng văn hóa sớm muộn. Lớp trên là lớp văn hóa Chăm sớm, có niên đại thế kỷ II, III sau Công nguyên. Lớp dưới là lớp văn hóa sớm, mang tính chất di chỉ xen mộ táng, thuộc giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh - sơ kỳ kim khí.

Đồng thời, cách mặt đất khoảng 20cm, các nhà khảo cổ còn thu được cụm hiện vật gồm các đồng tiền xu (tiền âm dương) khả năng thuộc niên hiệu Nguyên Phong (đời Tống), muộn nhất là thời Hồng Vũ (Minh Thành Tổ) và các mảnh gốm sứ… Giả định ban đầu, những hiện vật này giúp củng cố thêm giai đoạn người Trung Quốc sang giao thương, làm ăn tại khu vực này vào thế kỷ 17 - 18.

Thạc sỹ Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện khảo cổ học cho biết lần khai quật này có quy mô rộng hơn nhằm xác định lại giá trị đã đạt được tại lần khai quật vào năm 2001, xác định địa hình ban đầu trước khi người Sa Huỳnh sinh sống; đồng thời, tìm hiểu thêm đời sống văn hóa của cư dân tại đây, đặc biệt tìm ra mối liên kết, sự chuyển tiếp từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh lên Chăm-pa, khỏa lấp khoảng trống còn bỏ ngõ bấy lâu nay: người Chăm-pa đến từ đâu?

Tin và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.