.

Nhớ nhạc sĩ Thái Nghĩa

.

Thái Nghĩa, tác giả ca khúc Điệu lý quê em, đã ra đi mãi mãi ở tuổi 60. Những dự định, khát khao đành dang dở… Như vừa mới hôm qua, bạn bè, đồng nghiệp còn thấy nụ cười hiền, ánh mắt đầy ấp ủ cùng những tâm huyết của ông cho sự nghiệp âm nhạc, báo chí văn nghệ…

Nhạc sĩ Thái Nghĩa
Nhạc sĩ Thái Nghĩa

Gần 40 năm miệt mài cống hiến trên các lĩnh vực sáng tác, biên khảo, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc…, nhạc sĩ, nhà báo Thái Nghĩa - nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng (DRT) đã trở thành cái tên quá quen thuộc trong làng nhạc, làng báo và công chúng Đà Nẵng.

Yêu tiếng ca núi rừng

Phải nói rằng, tính đến nay, trong làng nhạc Đà Nẵng, không mấy ai gắn bó nhiều với âm nhạc đồng bào miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng như Thái Nghĩa. Cái duyên bắt đầu khi người nhạc sĩ trẻ mới chân ướt chân ráo về công tác tại Đài Phát thanh tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ, năm 1978), ông đã được phân công đi xây dựng Đài Truyền thanh miền núi huyện Phước Sơn.

Trong thời gian này, Thái Nghĩa vừa làm nhiệm vụ xây dựng Đài, vừa sáng tác, vừa sưu tầm văn nghệ dân gian. Từ đó, những làn điệu, những nhạc cụ giản đơn mà tinh tế của đồng bào miền núi ở Phước Sơn và những địa bàn khác cứ làm ông mê mẩn. Vì vậy, ông quyết định dành thời gian dài đi khắp núi rừng Quảng Nam - Đà Nẵng để nghiên cứu về âm nhạc của đồng bào nơi đây.

Thái Nghĩa quan niệm, tìm hiểu đời sống tinh thần nói chung, đời sống âm nhạc đồng bào miền núi nói riêng chính là hành trình tìm về cội nguồn, về với cái gốc của dân tộc. Qua tìm hiểu, Thái Nghĩa nhận thấy mỗi dân tộc, nhóm dân tộc ở Quảng Nam và Đà Nẵng có khoảng 20 làn điệu dân ca và 12 nhạc cụ độc đáo.

Nghệ thuật âm nhạc của đồng bào các dân tộc ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ trong kho tàng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em, nhưng do những yếu tố khách quan, hầu như chưa có ai theo đuổi việc nghiên cứu này đến cùng. Mặt khác, việc tìm hiểu nghệ thuật âm nhạc các đồng bào dân tộc, theo Thái Nghĩa, cũng là cách làm báo đúng nghĩa của một phóng viên, biên tập viên văn nghệ.

Nhờ quá trình miệt mài, tâm huyết của nhạc sĩ Thái Nghĩa mà những làn điệu dân ca, câu hát lên nương, mừng lúa mới, hát nhân ngãi… của đồng bào dân tộc thiểu số có dịp lên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Cách làm này làm phong phú, sinh động các chương trình văn nghệ của Đài; đồng thời, những giá trị âm nhạc của đồng bào được bảo tồn trước nguy cơ mai một hoặc chìm khuất bởi nhiều loại hình văn nghệ - giải trí khác.

Điều đặc biệt là nhạc sĩ Thái Nghĩa không chỉ có công sưu tầm, nghiên cứu, truyền bá mà ông còn góp nhiều ký âm, đặt lời, dịch ra tiếng Kinh những làn điệu gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Giẻ triêng, Xơ-đăng, Cơtu…

Và cũng chính đời sống hồn hậu của người dân các đồng bào miền núi khắp Quảng Nam - Đà Nẵng thời khốn khó ngày xưa cũng như những đổi thay hiện tại đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt trong sáng tác của Thái Nghĩa. Trong hơn 100 ca khúc của Thái Nghĩa, ông đã dành sự ưu ái đặc biệt đối với đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt là các em nhỏ như: Niềm vui phố núi, Mẹ cấy giữa mùa vui, Miền núi nhắn về, Tổ khúc Hoa rừng tặng những bé ngoan (gồm 6 ca khúc về đề tài miền núi, Huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1993)…

Đau đáu một ca khúc về Đà Nẵng

Nhiều ca khúc viết về đồng bào miền núi, viết cho thiếu nhi, kể cả những sáng tác theo đơn đặt hàng…, Thái Nghĩa đều đạt những thành công nhất định. Tuy nhiên, sau gần 40 năm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, Thái Nghĩa thừa nhận mình chưa có duyên với sáng tác về thành phố Đà Nẵng, mặc dù ông luôn đau đáu về một “địa phương ca” cho quê hương.

Thái Nghĩa cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến Đà Nẵng chưa tìm được ca khúc hay đủ lay động hàng triệu trái tim công chúng, trong đó có khâu quảng bá. Đà Nẵng sở hữu đội ngũ sáng tác có bề dày, giàu sức trẻ và đã có hàng ngàn ca khúc viết về thành phố. “Nên chăng chúng ta đừng mải mê tìm kiếm những ca khúc mới mà hãy tập trung đầu tư cho những sáng tác có sẵn, biết đâu trong số đó sẽ có một ca khúc ở lại trong lòng công chúng”, nhạc sĩ Thái Nghĩa từng tâm niệm.

Trong những lần chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông, Thái Nghĩa thường tâm sự rằng, bên cạnh những thế hệ nhạc sĩ gạo cội, ông đặt nhiều kỳ vọng vào lực lượng sáng tác trẻ sẽ góp phần tạo nên những diện mạo mới cho âm nhạc Đà Nẵng, nếu người ta biết khơi đúng dòng cảm xúc. Riêng ông còn rất nhiều dự định với âm nhạc thành phố, với sự nghiệp báo chí văn nghệ. Nhưng cuộc sống đầy bất trắc..., căn bệnh ung thư đã mang Thái Nghĩa ra đi mãi mãi.

Những ngày cuối năm 2014, đầu năm 2015, sức khỏe sa sút nhiều nhưng hầu như không thấy sự kiện âm nhạc lớn nhỏ nào của thành phố thiếu Thái Nghĩa. Vẫn nụ cười hiền, vẫn ánh mắt đầy ấp ủ, vẫn những câu chuyện đầy tâm huyết, dù hơi thở có phần mệt nhọc hơn.

40 năm - quá nửa đời người Thái Nghĩa dành cho âm nhạc, có quá nhiều vui - buồn đã trải, không thể nói hết… Nhưng có điều chắc chắn là ông sẽ không bao giờ quên nụ cười trong sáng của những em nhỏ vùng cao, những chuyến đi rong ruổi trên những chặng đường dài của người làm báo và những giây phút thăng hoa trên từng nốt nhạc, với những ca từ đẹp bật thoát từ trái tim…

Nhạc sĩ Thái Nghĩa sinh năm 1956 tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố các nhiệm kỳ 2002-2007, 2007-2014, kiêm Trưởng Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên hội Nhà báo Việt Nam. Với những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, Thái Nghĩa đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình, báo chí cùng nhiều giải thưởng về sáng tác, lý luận phê bình âm nhạc khác…

Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Thái Nghĩa đã qua đời lúc 15 giờ ngày 15-5-2015.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.