Ngày 10-7, ca sĩ Tùng Dương sẽ đại diện Việt Nam tham dự Festival nhạc jazz châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Chiangmai (Thái Lan) với sự góp mặt của hơn 10 quốc gia. Tùng Dương sẽ biểu diễn ca khúc Chiếc khăn Piêu - sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho.
1. Ca khúc Chiếc khăn Piêu xuất phát từ cảm hứng sau khi nhạc sĩ Doãn Nho được người bạn thân thiết là đạo diễn - biên đạo múa Vũ Toản (Đoàn ca múa quân đội Tổng cục Chính trị) trao cho bài dân ca Tăng A Tim của dân tộc Xá (nay là Khơ Mú) vào năm 1956, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 2 năm, khi đó nhạc sĩ mới 24 tuổi. “Thành công của bài hát phải nói có cả công sức của người sưu tầm - bạn Vũ Toản của tôi”, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết.
Theo nhạc sĩ, ông đã viết bài hát trong một buổi chiều. Ngay từ khi gặp bài dân ca Tăng A Tim, Doãn Nho đã say mê giai điệu này để từ đó tạo nên giai điệu trẻ trung, sôi động của Chiếc khăn Piêu tươi trẻ đến tận ngày nay. Ban đầu, nhạc sĩ đặt tên ca khúc là Chiếc khăn rơi. Khi được hỏi “ông đã phát triển, khai thác bao nhiêu phần trăm chất dân ca của dân tộc Khơ Mú trong bài này?”, nhạc sĩ Doãn Nho không đắn đo: “50%”.
Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài dân ca Tăng A Tim có giai điệu rộn ràng với nội dung: “Cái váy đẹp đánh rơi, gió bay đi, anh em nhặt được gửi cho nhau… Mặc cái váy cũ mà đi làm… Cái khăn đẹp/ Dây lưng đẹp… đánh rơi, anh em nhặt được…”.
Qua bài dân ca Tăng A Tim, hình ảnh chiếc khăn của những cô gái vùng cao Tây Bắc hiện lên trong tâm trí của nhạc sĩ Doãn Nho lúc ấy. Ông tâm sự: “Thực ra lúc đó, mình nghĩ đến chiếc khăn thì nghĩ ngay hình ảnh của khăn Piêu. Sau này mới biết khăn Piêu là của dân tộc Thái. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần nói về hình ảnh khăn Piêu thì những người con gái Tây Bắc đã hiện lên rồi”.
Nhạc sĩ cho biết, nội dung bài Chiếc khăn Piêu nói rất chân thật tấm lòng của mình, nhất là qua câu hát: “Nghe con chim cúc cu, kìa nó hót lên một câu rằng có một nàng ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng chiếc khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng để gió cuốn bay về đây vương trên cây... Á ơi có phải thắm thiết nhau, chiếc khăn đây là mối nối duyên nhau thời tôi chờ. Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời, nhắn tin theo cùng gió, khăn còn đây đợi người. Atri ơi...”.
2. Người đầu tiên thể hiện Chiếc khăn Piêu là NSƯT Trần Chất, ông đã biểu diễn thành công cùng cây đàn ác-coóc-đê-ông của NSƯT Huy Luân và tạo một dấu son trong lòng công chúng. Sau đó, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện thành công bài hát này: NSND Quý Dương, NSƯT Hoàng Chè và đặc biệt là danh ca Kiều Hưng đã gắn bó tên tuổi mình với ca khúc Chiếc khăn Piêu. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, người nghe say đắm với giọng nam ngọt ngào, ấm áp, đượm chất dân ca của nghệ sĩ Kiều Hưng trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ở bản thu này, Kiều Hưng hát nguyên bản theo ý tưởng của nhạc sĩ Doãn Nho, đoạn “Atri ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này…” trầm hẳn để sau đó vút lên cao, tạo độ rộng trong âm hưởng bài hát. Nếu Kiều Hưng để lại trong lòng người nghe dấu ấn đẹp về một giọng ca có “thương hiệu” thì những năm gần đây, nữ ca sĩ Anh Thơ lại có cách “biến hóa” riêng khi thể hiện ca khúc này. Đến năm 2012, khi Tùng Dương biểu diễn Chiếc khăn Piêu trên sân khấu Bài hát yêu thích thì thêm một lần nữa ca khúc này được khoác bộ cánh hoàn toàn mới.
Nhận xét về cách xử lý của Tùng Dương, nhạc sĩ Doãn Nho từng nói: “Ở bản phối này, Tùng Dương không hát một đoạn trầm, quãng tám, khác so với một số ca sĩ khác. Đứng ở góc độ nào đó thì thấy mất đi một quãng trầm, màu sắc, độ rộng của âm hưởng đó bị thu hẹp lại nhưng bù lại thì cách phiêu, nhả chữ cùng với trang phục, ánh sáng... của Tùng Dương rất độc đáo. Bên cạnh đó, có những cách đảo nhịp do Tùng Dương sáng tác, tạo ra nghịch phách, rất lãng mạn, bay bổng, rất hợp với thẩm mỹ của giới trẻ”.
Khoảng tháng 2-2013, sau khi nhận giải thưởng Bài hát yêu thích, Tùng Dương đã tìm về xứ sở của Chiếc khăn Piêu - vùng đất Sơn La. Đoạn đường từ thành phố Sơn La về trụ sở UBND xã Nặm Păm khoảng 60km, phải đi qua rất nhiều “ổ gà”, “ổ voi” sau đợt mưa lũ. Tại Nặm Păm và Ngọc Chiến - hai xã nghèo nhất của huyện Mường La (Sơn La), Tùng Dương đã tiếp xúc với nhiều bà con dân tộc và đã trích tiền giải thưởng của Bài hát yêu thích để mua 310 suất quà, trao tận tay bà con.
ASEAN One Multicultural Festival là lễ hội dành cho các nghệ sĩ chơi nhạc jazz đến từ các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Việt Nam... Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 10-7 năm nay tại Chiangmai (Thái Lan) và dự kiến diễn ra thường niên. Tùng Dương tâm sự: “Nhạc jazz luôn là nguồn cảm hứng và song hành với tôi trong suốt sự nghiệp. Tôi cảm thấy vinh dự khi được mời tham dự chương trình và muốn giới thiệu bản sắc cũng như văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế”. Tùng Dương cho biết, anh sẽ hát các ca khúc Chiếc khăn Piêu, Con tằm và Feeling Good. Sau lễ hội nhạc jazz châu Á, Tùng Dương dự định phát hành album với các sáng tác của Giáng Son theo phong cách jazz. Bên cạnh đó, anh sẽ ra mắt album cùng nhạc sĩ trẻ Sa Huỳnh và tổ chức liveshow cùng một số diva nhạc Việt vào tháng 8. |
MAI HOÀNG