.

Nguyễn Tường Vinh: Họa sĩ của những mùa lễ hội

.

Trong nhiều năm qua, xuyên suốt nhiều tác phẩm, dù ở thể loại nào, người xem vẫn thường gặp tranh của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh tập trung chủ đề những ngày lễ hội.  

Họa sĩ Tường Vinh bên cạnh phác thảo bức tranh Hội An thế kỷ 17.
Họa sĩ Tường Vinh bên cạnh phác thảo bức tranh Hội An thế kỷ 17.

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh sinh năm 1958, quê gốc Hà Nội, sống và làm việc tại Đà Nẵng từ năm 1977 đến nay. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Một điều khá bất ngờ và thú vị là trong nhiều năm qua, dù ở thể loại nào, hầu như người thưởng ngoạn vẫn thường gặp tranh của Nguyễn Tường Vinh tập trung chủ đề những ngày lễ hội.

Điển hình những tác phẩm được đánh giá khá thành công của ông như: Vũ điệu mừng xuân (khắc gỗ - 1993), Trung thu ở Hội An (Sơn khắc - 1994), Hội An (khắc gỗ - 1998), Lễ hội Catu (Lụa - 1995), Người Việt Nam (khắc gỗ - 2003), Bản sắc miền Trung và Tây Nguyên (Sơn mài - 2009), Bài ca xuân 1975 (Sơn dầu - 2005), Xây dựng cầu Sông Hàn (Sơn mài - 2000), Đà Nẵng tháng 3 (Sơn mài - 2005)… đều có nội dung, âm hưởng, không gian và nhịp điệu gần gũi không khí lễ hội dân gian miền Trung.

Theo họa sĩ Tường Vinh, các tác phẩm trên đều được tạo ra từ cảm hứng thông qua việc quan sát, tiếp xúc, tìm hiểu, lấy tư liệu thực tế. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp năm 1977, ông vào Đà Nẵng công tác tại khu triển lãm Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) gần 20 năm và trải qua nhiều công việc như: thiết kế mỹ thuật, biên tập nội dung, tổ chức thi công cho triển lãm và trang trí lễ hội, sân khấu..., đôi lúc kiêm luôn việc thuyết minh triển lãm.

Có lẽ vì thế, chất văn hóa dân gian miền Trung ngấm vào người anh lúc nào không biết. Cũng như phần lớn các họa sĩ, nhà điêu khắc khác, với họa sĩ Tường Vinh, mỗi tác phẩm ra đời đều có những câu chuyện ẩn chứa bên trong, điều đó mới tạo nên cảm xúc để hình thành những tác phẩm đẹp, ý nghĩa.

Cụ thể, bức tranh Xây dựng cầu Sông Hàn (sơn mài, khổ lớn) đang được lưu giữ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) có lẽ gắn nhiều kỷ niệm nhất từ trước tới nay đối với anh, kể từ bước đầu tiên là ghi chép tư liệu, đến bước cuối cùng được chọn treo và lưu giữ.

Gần đây là bức tranh đang ở giai đoạn phác thảo về phố cổ Hội An, Tường Vinh cho biết: “Nói hơi xa một chút, khoảng năm 1978, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hội An trong một chuyến công tác dài ngày. Khung cảnh sông nước, phố cổ, con người và cuộc sống nơi đây đã quyến rũ tôi.

Rồi tình yêu trong tôi dành cho nơi này ngày càng lớn dần theo năm tháng. Tình yêu đó đã được biểu hiện qua rất nhiều tác phẩm với nhiều chất liệu như: lụa, khắc gỗ, giấy dó, sơn dầu, sơn mài với nhiều kích cỡ khác nhau (có tranh chỉ bé bằng bàn tay của người lớn).

Năm 2009, trong dịp dự lễ khai mạc và nhận giải thưởng tại triển lãm mỹ thuật chuyên đề về Hội An do thành phố này tổ chức, được xem nhiều tranh của các họa sĩ từ các địa phương khác tham dự với rất nhiều nội dung và hình thức biểu hiện về Hội An..., tôi đã nảy sinh ý tưởng sáng tác về Hội An thời xa xưa. Từ đó, tôi lưu ý những tư liệu, bài viết, tìm kiếm những hình ảnh liên quan đến Hội An xưa, một thành phố thương cảng quốc tế lớn của Đằng Trong thời chúa Nguyễn.

Tư liệu viết rất nhiều về Hội An nhưng tư liệu hình ảnh lại khá hiếm. Trong lúc đó, tôi có nhiều ý tưởng khác về sáng tác nên đành tạm gác lại ý tưởng một bức tranh khổ lớn về Hội An xưa. Gần đây, ý tưởng đó chợt trở về trong tôi bởi một người bạn Nhật.

Ông không chỉ tới thăm tôi mà còn mang theo một cuốn sách mỹ thuật in những bức tranh của một họa sĩ Nhật Bản vẽ về miền Nam nước Nhật thời xưa. Đặc biệt, mới đây, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung cùng các anh em làm việc tại Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An. Nói tóm lại, để hoàn thành ý tưởng này thì phải có khá nhiều tư liệu, mất nhiều thời gian tìm hiểu.

Cái khó nhất là làm thế nào để tạo ra một tác phẩm đẹp mang hơi thở Hội An thế kỷ 17. Tôi đang phác thảo và dự định hoàn thành nó vào đầu tháng 7 tới để kịp gửi ảnh tham gia triển lãm mỹ thuật Việt Nam cuối năm nay”.

Sau gần 40 năm cầm cọ, Tường Vinh nói rằng, nhiều lần anh có ý định tổ chức triển lãm cá nhân tại Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay ở nước ngoài. Song, công việc sáng tác và nhiều nguyên nhân khác đã cuốn trôi những dự định, thành ra anh chưa làm được điều này.

Nói về hoạt động mỹ thuật Đà Nẵng giai đoạn hiện nay, Nguyễn Tường Vinh nhận định: “Đà Nẵng cũng như một số thành phố trung tâm lớn khác trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế…, đã có một thời bùng nổ cái được gọi là thị trường tranh (người người vẽ tranh, nhà nhà bán tranh). Nhiều họa sĩ đã sống được bằng việc sáng tác và bán tác phẩm của mình chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài hay một số nhà sưu tập nước ngoài quan tâm tới văn hóa, con người Việt Nam.

Thời kỳ đó kéo dài hơn 10 năm, kể từ khi nước ta bước vào thời kỳ mở cửa và phát triển kinh tế thị trường. Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của hầu hết các họa sĩ nước ta.

Theo tôi, cả nước hiện nay chưa có một thị trường tranh tượng nghệ thuật thực sự. Mỗi sản phẩm mỹ thuật cũng như sản phẩm của các ngành nghệ thuật khác được sinh ra từ tấm lòng và trái tim của mỗi nghệ sĩ.

Nó tồn tại hay không tồn tại, phát triển rực rỡ hay lụi tàn là tùy thuộc sự đón nhận của xã hội và chính quyền. Nói một cách đơn giản: Sản phẩm đã làm ra mà không được quảng bá, không được tiêu thụ, không được gìn giữ thì người làm ra sẽ phải chuyển sang làm việc khác để sinh sống.

Theo tôi, phong trào mỹ thuật của Đà Nẵng những năm gần đây có vẻ phát triển theo phương ngang. Tức là đông hội viên, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, nhiều phát động sáng tác, nhiều cuộc đi thực tế sáng tác và trại sáng tác… hơn những năm trước, nhưng có vẻ lại đang thiếu chiều sâu và thiếu cả chiều cao.

Với các họa sĩ trẻ, tôi tự thấy rằng mình chưa phải “lão làng” nên chỉ có thể nhắc lại đại khái lời nói của Picasso mà tôi vẫn đang áp dụng cho chính bản thân mình: Thành quả nghệ thuật có được do 99% lao động và 1% tài năng”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.