Văn hóa SƠN TRÀ

Lưu giữ nét truyền thống giữa lòng phố thị

.

Nằm trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), đình làng Mỹ Khê từng được xem là trái tim văn hóa của người dân ngôi làng ven biển này. Hơn 100 năm chịu nhiều tác động của thiên nhiên và con người, ngôi đình xuống cấp trầm trọng. Đầu tháng 8 vừa qua, người dân Phước Mỹ vui mừng khi thành phố hoàn tất quá trình tu bổ, phục hồi, trả lại một mái đình giữa phố.

Đình làng Mỹ Khê sau khi trùng tu.
Đình làng Mỹ Khê sau khi trùng tu.

Ngồi trên chiếc chiếu hoa trải trước hiên gian thờ, ông Đinh Quang Huy, Phó ban Khánh tiết đình làng Mỹ Khê nhớ lại những kỷ niệm gắn bó với đình từ những ngày còn nhỏ. “Hồi đó, cứ hễ không phải đi học, cũng không phải giúp việc cho cha mẹ, lũ trẻ làng lại kéo nhau ra sân đình bày đủ trò chơi. Ngày lễ, Tết, đình làng vui như hội với màn hát bội, những lễ tế truyền thống. Đối với người làng thời đó, đình Mỹ Khê là một nơi vừa cung kính, tôn nghiêm, vừa gần gũi trong đời sống hằng ngày”, ông Đinh Quang Huy nói.

Theo ông Huy, ngày trước, làng Mỹ Khê chỉ là một dải cát trắng chạy dọc theo bờ biển, ngôi đình ban đầu cũng được xây dựng tại đó. Rồi những cơn bão, gió biển khiến ngôi đình hư hao, năm 1913, người làng quyết định di dời vào trong khoảng hơn 1km. Hiện trong đình vẫn còn lưu giữ tấm bia cổ, khắc tên 12 gia tộc đã góp công, góp của xây nên ngôi đền mới.  

Được xây theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, đình Mỹ Khê có tiền đình, hậu tẩm. Mái đình lớp ngói âm dương, trên có hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Trên đường đi vào gian chính điện, nhìn sang hai bên thấy lầu chuông, lầu trống cao gần 3m. Gian chính điện thờ Thành hoàng, còn hai bên tả, hữu thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Trong kiến trúc của ngôi đình, có một chi tiết nổi bật: Bốn cột đình được cẩn “Rồng cuộn Hổ quỳ”, tạo thế đứng vững chắc muôn đời cho dân làng. Chỉ vào hai khung gỗ khắc được treo trang trọng trên tường trong gian chính điện, ông Huy bảo, đây là nơi lưu giữ 16 sắc phong do các vua triều Nguyễn ban cho các tôn thần Mỹ Khê.

Đình làng cũng là nơi ghi dấu tích cách mạng hào hùng. Ngày 22-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, người dân Mỹ Khê đã nổi dậy cướp chính quyền, tổ chức mít-tinh, thành lập chính quyền cách mạng. Trên bức tường gian chính điện nay vẫn còn lưu tấm bia lưu niệm của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), với dòng chữ: “Tại đây, ngày 22-8-1945, tại đình làng Mỹ Khê, Mặt trận xã Mỹ Khê (nay là phường Phước Mỹ) đã vận động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của thành phố Đà Nẵng”. Đến năm 2005, UBND thành phố Đà Nẵng chứng nhận đình làng Mỹ Khê là Di tích lịch sử cấp thành phố.

 Bắt đầu từ khoảng những năm 2010, mái đình xuống cấp do nhiều tác động. Cuối năm 2016, Sở Kế hoạch-Đầu tư thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đình làng Mỹ Khê, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng để gia cố và phục hồi các hạng mục xuống cấp gồm đình, cột, kèo, các họa tiết, hoa văn, lát gạch nền, quét vôi… và hoàn tất vào đầu tháng 8 vừa qua. Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ nói: “Cả chính quyền, cả người dân Phước Mỹ, ai cũng mừng. Dễ gì ngay giữa phố thị lại có một không gian xanh, đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc như vậy…”.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.