Con mỳ

.

Có lẽ nhiều người chưa bao giờ nghe đến từ này, nhưng đó là từ mà người Quảng khi gọi sợi mỳ: con mỳ. Ngay chính cả nhiều nhà nghiên cứu cũng khó lý giải việc này. Một buổi sáng tại quán cà phê cóc Sài Gòn, khi tôi nói điều này cho nhà văn Lê Minh Quốc, người đã có nhiều sách nghiên cứu về tiếng Việt, anh cũng dừng lại hơn đôi phút rồi nói rằng: “Ừ, cũng lạ hỉ, em về nghiên cứu thử xem”, sau đó, anh tặng tôi bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) có liên quan đến câu chuyện đang bàn.

Minh họa: TIẾN DŨNG
Minh họa: TIẾN DŨNG

Tôi cố gắng tìm xem có trường hợp nào tương tự đối với cách gọi đồ vật thân thương như vậy không? Thí dụ, bún thì gọi là bún hoặc sợi bún, phở thì sợi phở hoặc bánh phở, hoặc bánh đa cua, bánh canh, hủ tiếu… nói chung các món ăn dạng sợi không có tên gọi là “con” như mỳ Quảng.

“Con” trong tiếng Việt có nhiều nghĩa, nghĩa ban đầu của nó là người hoặc động vật thuộc thế hệ sau, trong quan hệ với người hoặc động vật trực tiếp sinh ra (có thể dùng để xưng gọi). Ví dụ: Con hơn cha là nhà có phúc. Hoặc từ dùng để chỉ từng đơn vị những cá thể động vật như con mèo, con chim…; từ dùng để chỉ từng đơn vị một số vật, thường có đặc điểm hoạt động hoặc hình thể giống động vật: con tim, con sông bên lở bên bồi, con đường làng…; ngoài ra, nó được dùng như tính từ miêu tả sự nhỏ bé...

Rõ ràng về góc độ ngôn ngữ thì sợi mỳ không thể gọi là con mỳ, chỉ trừ một trường hợp là khi sử dụng phép tu từ được nhân cách hóa làm cho chúng trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi, sống động và có hồn hơn.

Vậy, tại sao người Quảng Nam - Đà Nẵng lại yêu thích sợi mỳ đến nỗi gọi con mỳ? Như tôi đã nhận định trọng tập sách “Tìm hiểu lịch sử và giá trị ẩm thực mỳ Quảng” thì “Mỳ Quảng là sản phẩm của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, được thánh mẫu Huyền Trân Công chúa và các bậc tiền nhân truyền dạy”. Nó là món ăn gắn với đời sống - nhất là người nông dân tay lấm chân bùn.

Khi người Việt làm ra hạt lúa, hạt gạo họ rất trân trọng nên đã gọi “hạt ngọc”. Từ “hạt ngọc” đó, người Việt đã sáng tạo ra nhiều loại thực phẩm có hình sợi. Tuy nhiên, khác với vùng miền trong cả nước, người Quảng Nam - Đà Nẵng không gọi “sợi mỳ” như một cách hiển nhiên gọi tên sự vật vốn có. Ờ đây khi dùng từ con/con mỳ thì không chỉ phản ánh một vật chất cụ thể mà còn gọi nó trong một tình cảm gắn bó của sự ruột thịt nữa. Nếu tục ngữ có câu “Cơm tẻ mẹ ruột” thì mỳ/ con mỳ chính là con, bởi mỳ cũng từ gạo mà ra. Ý nghĩa của từ con/ con mỳ chính là yếu tố này. Từ đó, ta thấy trong quan niệm của người Quảng: mỳ Quảng không chỉ là một món ăn cụ thể còn còn biểu hiện tình cảm nồng nàn dành cho nó nữa.

Chính vì yếu tố này, ta nhận ra mỳ Quảng còn đóng vai trò khác nữa khi quan sát từ góc nhìn tâm linh. Dù có thể ăn trong mọi dịp như nhiều thức ăn bình thường khác nhưng mỳ Quảng còn xuất hiện, nếu không muốn nói là cần phải có trong các dịp cúng đất, giỗ, chạp, lễ cúng cơm mới, dựng nhà mới...

Tại sao? Một khi gọi con/ con mỳ thì tô mỳ Quảng đó đã ngầm hiểu, đã ngụ ý như một cá thể gắn bó ruột thịt với gia chủ trong giỗ quẩy, ngày vui của gia đình, gia tộc, bạn hữu… Hiểu như thế, ta mới thấy vị trí của mỳ Quảng đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với người Quảng. Và, yếu tố này sẽ góp phần lý giải vì sao trong tô mỳ Quảng, dù đi kèm theo vật liệu khác nhau như cá lóc, thịt heo rim, gà kho, tôm… mỗi nơi mỗi phách mà người Quảng vẫn gọi… mỳ Quảng. Xin thưa, vì ở đó đã có một giá trị vật chất cụ thể mà họ trân trọng, gọi bằng tất cả sự yêu thương: con/con mỳ.

LÊ MINH DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.