.

Đội tuyển U-19 Việt Nam: Đằng sau thất bại

.

Có quá nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng sau trận thua 0-6 của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trước người Thái trong trận chung kết giải Bóng đá U-19 Đông Nam Á 2015.

Trận thua của U-19 Việt Nam (áo đỏ) trước U-19 Thái Lan (áo xanh) là hình ảnh tiêu biểu cho thất bại của nền bóng đá Việt Nam trước bóng đá Thái Lan.
Trận thua của U-19 Việt Nam (áo đỏ) trước U-19 Thái Lan (áo xanh) là hình ảnh tiêu biểu cho thất bại của nền bóng đá Việt Nam trước bóng đá Thái Lan.

Thế nhưng, với giới chuyên môn, không ai bất ngờ trước thất bại nặng nề của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn

Chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển khẳng định: Đội tuyển U-19 Thái Lan có sự chuẩn bị rất tốt, khác hẳn với cách làm của đội tuyển U-19 Việt Nam. Chính sự chuẩn bị chu đáo ấy đã tạo sự khác biệt khi U-19 Thái Lan dễ dàng quật ngã mọi đối thủ, kể cả U-19 Việt Nam, trên đường tiến đến ngôi vô địch. Trong khi đó, do “lực bất tòng tâm”, các cầu thủ U-19 Việt Nam gần như không có nhiều cơ hội tạo nên đột biến, dù chỉ 1 bàn thắng danh dự. Theo ông Nguyễn Sỹ Hiển, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã “đạt ngưỡng” khi tiến đến trận chung kết tại giải lần này.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích, dù ở cấp độ đội tuyển nào, Thái Lan cũng chơi theo hình thái chiến thuật đã hoạch định. Từ sự nhất quán mang tính xuyên suốt trong kế hoạch đào tạo, kể cả ở cấp CLB, dù thời gian tập trung khác nhau nhưng các cầu thủ trẻ Thái Lan không mấy khó khăn để hòa nhập cùng đồng đội.

Hơn nữa, “mặt chân đế” của bóng đá Thái Lan khá vững với 18 đội Ngoại hạng, 18 đội hạng Nhất, hơn 20 đội hạng Nhì rồi đến bóng đá học đường… Nhờ đó, nguồn xuất hiện nhân tài sẽ nhiều hơn, nên dù ở từng trận đấu riêng lẻ, Việt Nam có thể giành chiến thắng nhưng xét toàn cục, bóng đá Thái Lan vẫn chiếm ưu thế vượt trội.

Sự khác biệt còn ở chỗ, các cầu thủ U-19 Thái Lan đều đang khoác áo các CLB Thai-League. Nếu đội trưởng Worachit và thủ môn Chakhon là cầu thủ của Chonburi thì Anon đang khoác áo Buriram PEA, Sasern là đồng đội của tuyển thủ quốc gia Channathip ở BEC Tero Sasana hay Adisak Narattho đang đầu quân cho Osostspa…

Số còn lại đến từ các học viện khác nhau của các CLB thuộc Thai-League hoặc Thai-Division 1, Thai-Division 2... Khi các cầu thủ trẻ Thái Lan thường xuyên sinh hoạt, tập luyện và được các đàn anh chỉ dẫn nên nhanh chóng tiến bộ cũng là tất yếu.

Ngược lại, mỗi năm, cầu thủ trẻ Việt Nam chỉ thường được thi đấu tối đa 5 trận nếu giành quyền vào đến trận chung kết. Dù quỹ thời gian tập trung không ít ở các CLB nhưng các cầu thủ trẻ vẫn chỉ tập chay. Chính cách đào tạo như thế không thể mang lại hiệu quả khi các cầu thủ trẻ không có được điều kiện cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cũng như không thể thích nghi với những trận đấu nhiều áp lực.

Chẳng thể vui trước thất bại của đội tuyển U-19 Việt Nam, dù đã có những cảnh báo ngay trước thềm trận chung kết. Song, một thất bại đúng lúc cũng cần thiết để bóng đá Việt Nam tránh sự ảo tưởng nếu may mắn chiến thắng người Thái.

Trước mắt thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn lúc này là vòng loại U-19 châu Á 2016, diễn ra vào cuối tháng 9 này tại Myanmar. Vẫn hy vọng U-19 Việt Nam sẽ giành được chiếc vé đầu bảng G, hoặc là một trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất trong 10 bảng đấu loại. Tuy nhiên, bài học trên đất Lào vẫn còn nhiều giá trị và tương lai bóng đá Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào những người điều hành bóng đá nước nhà, để chúng ta không phải cay đắng bởi những trận thua “lấm lưng, trắng bụng” lần nữa…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.