.

Nguy cơ mắc bệnh dại từ vật nuôi

.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, tính từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 1.300 trường hợp bị chó, mèo cắn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng hơn 600 trường hợp). Nhiều trường hợp ở thể nặng do cứu chữa không kịp thời.

Khi vật “cưng” nổi loạn

Dù chỉ mới bước vào mùa nắng nóng, nhưng nhiệt độ tại Đà Nẵng luôn ở mức cao, có khi lên đến 390. Nắng nóng khiến số bệnh nhân đến tiêm phòng ở Trung tâm Y tế dự phòng thành phố ngày càng đông.

Đưa con trai 5 tuổi đến tiêm phòng, chị Phạm Thị Hòa (40 tuổi, ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê) lo lắng: “Tôi gửi cháu ở nhà hàng xóm để đi có việc. Khi cháu chơi ở đó thì không biết bị con chó ở đâu đến cắn vào chân. Vẫn biết tiêm phòng sẽ ảnh hưởng không tốt đến con, nhưng cứ đưa đi cho chắc, chứ giờ đâu biết con chó nào mà theo dõi”. Còn chị Lê Thị Mai (50 tuổi, ở quận Liên Chiểu) thì đau đầu khi kẻ gây ra vết cắn ở tay chị không ai xa lạ mà chính là chú chó Milu “cưng”. “Tôi nuôi nó đã 2 năm rồi. Thường ngày nó rất hiền, chẳng hiểu sao khi đang tắm cho nó tự dưng nó cắn vào tay tôi. Chắc tại mấy bữa nay trời nóng quá”, chị Mai thở dài.

Do vết cắn ở tay gần vùng thần kinh nên chị Mai phải tiêm huyết thanh. Mấy hôm nay, con chó bỏ ăn khiến chị Mai lại càng thêm lo lắng... Chị cho biết, đã tiêm 3 lần huyết thanh, sau mỗi lần tiêm thì người mệt mỏi, rã rời chân tay, tăng huyết áp nhưng bác sĩ bảo phải tiêm thêm một mũi nữa mới bảo đảm an toàn cho chị.

Mỗi trường hợp đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố là một kiểu bị chó, mèo cắn. Người thì do bất cẩn, đụng phải con chó dữ nên bị cắn. Người lại bị vật “cưng” cắn, hoặc sang nhà bạn chơi bị chó cắn… Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay, hơn 1.300 trường hợp bị súc vật cắn đã được tiêm phòng dại, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2012 có hơn 600 trường hợp bị súc vật cắn, chủ yếu do chó cắn). Trong đó, độ 1 (độ nhẹ nhất) có 719 người, độ 2: 437 người, độ 3 (độ nặng nhất): 162 người.

Làm gì khi bị súc vật cắn?

Bệnh dại do một loại virus từ chó, mèo… mang mầm bệnh truyền sang cho người qua vết cắn, cào cấu hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước dãi của con bệnh. Hiện nay, bệnh dại không có thuốc điều trị, khi đã lên cơn dại, nguy cơ tử vong là 100%. Thực tế cho thấy, chó nhà nuôi là nguồn truyền dại cho nhiều người nhất, bởi tâm lý thường ít đề phòng chó nhà.

Theo thống kê từ Chi cục Thú y thành phố, hiện Đà Nẵng có hơn 22.000 con vật nuôi, bao gồm chó, mèo. Phần lớn các gia đình có vật nuôi, nhất là chó, mèo, đều được vận động đi tiêm chủng. Chó, mèo con từ mẹ chưa tiêm phòng thường nên tiêm lúc 4 tuần tuổi, còn chó, mèo mẹ đã tiêm phòng thì nên tiêm lúc 11 tuần tuổi, tái chủng một năm một lần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở một vài nơi, nhất là vùng nông thôn, không ít chó, mèo vẫn chưa được chủ đưa đi tiêm phòng, thậm chí còn thả rông ngoài đường.

Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tất cả các tháng trong năm đều có thể mắc bệnh dại, nhưng thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh. “Nếu chẳng may bị chó, mèo cắn, người bệnh cần rửa vết thương nhiều lần bằng xà phòng, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi dùng cồn, i-ốt sát trùng vết thương, sau đó đến ngay các trung tâm y tế để được tư vấn. Nếu trường hợp không phải tiêm vaccine thì phải theo dõi, còn nếu được chỉ định thì phải tiêm vaccine và huyết thanh cho phù hợp. Việc sử dụng huyết thanh kháng dại làm tăng hiệu quả tiêm vaccine dại. Những trường hợp bị chó dại cắn, không tiêm phòng, khi đã lên cơn thì 100% là tử vong”, bác sĩ Lãm nói.

Bác sĩ Lãm cũng cho biết thêm, trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn (từ 7-35 ngày), nên dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không được tự ý chữa bằng những phương pháp khác như: bôi ớt, liếc dao hay uống các loại thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Khi bị chó, mèo cắn, ngoài việc rửa vết thương và đến cơ sở y tế để được chữa trị, đồng thời phải giữ lại “vật cưng” và đem đến các trạm thú y quận, huyện gần nhất, hoặc Chi cục Thú y thành phố để được kiểm tra bệnh dại.

KIM NGÂN
 

;
.
.
.
.
.