.

Sởi chưa qua, tay-chân-miệng lại đến

.

Trong khi tình hình bệnh sởi trên địa bàn vẫn ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày (tính đến ngày 13-5, toàn thành phố ghi nhận 369 ca sốt phát ban nghi sởi) thì bệnh tay-chân-miệng (TCM) lại được các chuyên gia y tế trong nước khuyến cáo có khả năng bùng phát trở lại trong thời điểm này.

Ngày 14-5, tại hành lang khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, anh N.V.T. (30 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) vừa cố dỗ cho con đỡ quấy khóc, vừa than thở: “Mấy hôm nay tôi “chiến đấu” với sởi cùng con đủ đuối sức lắm rồi. Mẹ cháu cũng đổ đau theo nên giờ chỉ có mỗi mình ba chăm nom. Mấy hôm nay đọc báo thấy bệnh TCM có nguy cơ trở lại làm tôi lo quá!”.

Nghe anh T. nói, các phụ huynh khác cũng cùng bày tỏ sự lo lắng trước diễn biến phức tạp của các loại bệnh hiện nay. Cũng tại đây, nhiều phụ huynh thắc mắc con họ đã mắc TCM một lần rồi liệu có bị lại không. Thực tế, một người có thể mắc bệnh TCM nhiều lần do có nhiều tuýp virus khác nhau. Người bệnh chỉ miễn dịch đối với một loại virus cụ thể, những lần mắc bệnh khác có thể xảy ra do lây nhiễm một loại virus tuýp khác. Ở nước ta, bệnh TCM xảy ra quanh năm.

Tại Đà Nẵng, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, từ đầu năm đến ngày 11-5, toàn thành phố ghi nhận 306 ca TCM. Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi hiện điều trị hơn 30 ca mắc TCM, chủ yếu rơi vào trẻ dưới 5 tuổi. Tuy các ca TCM hiện tại không diễn biến nặng kèm theo các biến chứng nguy hiểm nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, khi mới năm ngoái, TCM được xem là “cơn ác mộng” với ngành y tế thành phố, mỗi ngày có đến hơn 400 ca khám và nhập viện điều trị.

Thông tin dịch bệnh từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh TCM có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).

Bác sĩ Lê Văn Đoan, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản - Nhi nhận định, bất kỳ bệnh nào với cơ thể trẻ cũng được xem là nguy hiểm. Phân tích sự tiến triển bệnh tình giữa TCM và sởi, bác sĩ Đoan cho biết: “Trẻ mắc sởi thường bị nhẹ nhưng với những trẻ đang mắc kèm những bệnh khác sẽ khiến cơ thể bị suy giảm miễn dịch nên dễ có các biến chứng nặng như viêm phổi... Trong khi đó, trẻ mắc bệnh TCM nặng do enterovirus 71 có diễn tiến rất nhanh, gây tổn thương phổi, não, tim chỉ trong 2-3 ngày đầu mắc bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì chưa có vaccine phòng ngừa và bệnh diễn tiến nhanh nên chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến yếu tố này”.

Bác sĩ Đoan khuyến cáo: “Để phòng tránh bất cứ loại bệnh nào thì yếu tố môi trường sống sạch sẽ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, phụ huynh nên rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Tìm hiểu thông tin dịch bệnh và khi nhận thấy con có các biểu hiện bất thường thì cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và kịp thời điều trị”.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết (SXH). Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế có kế hoạch bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân TCM và SXH trên địa bàn thành phố; lưu ý bố trí thu dung, điều trị, cách ly những trường hợp bệnh nặng để hạn chế lây lan, lây chéo ngay tại nơi điều trị; thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm và phác đồ điều trị bệnh TCM, SXH; bảo đảm đủ trang thiết bị y tế và thuốc cấp cứu để phục vụ bệnh nhân.

Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM, SXH trên địa bàn thành phố, lưu ý các địa phương có nhiều trường hợp mắc bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan trong cộng đồng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để kịp thời có biện pháp chỉ đạo phù hợp trong công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch.

Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh TCM, SXH… trong trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình… Thông báo ngay với các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp mắc bệnh; thường xuyên triển khai tổng vệ sinh tại các trường học…

UBND thành phố cũng vừa có công văn chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông “Rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh TCM - hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014” trên địa bàn thành phố. Theo đó, kế hoạch được thực hiện từ tháng 5-2014 đến hết tháng 12-2014. Sở GD-ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp hiệu quả với Sở Y tế trong quá trình thực hiện kế hoạch này.

B.T

BÌNH AN
 

;
.
.
.
.
.