.

Kỹ thuật mới nâng tầm bệnh viện

.

Nghiên cứu khoa học (NCKH) nghiêm túc và đưa các nghiên cứu vào thực tiễn lâm sàng một cách hiệu quả, là những hoạt động xuyên suốt của Bệnh viện Đà Nẵng trong 5 năm qua.

Ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 17-4-2015.
Ca ghép thận thành công tại Bệnh viện Đà Nẵng vào ngày 17-4-2015.

Nâng cao năng lực chẩn đoán, rút ngắn ngày điều trị với hiệu quả cao nhờ NCKH và áp dụng kỹ thuật mới, đã tạo nên “sức hút” của Bệnh viện Đà Nẵng đối với bệnh nhân trên địa bàn thành phố, cũng như người bệnh ngoài tỉnh.

Người bệnh đỡ tốn kém nhờ phát triển kỹ thuật y học

BS CKII Trần Ngọc Thạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Kể từ Hội nghị khoa học lần thứ 6 năm 2010, Bệnh viện Đà Nẵng đã có một bước dài phát triển về kỹ thuật y học. Nhiều công trình của cán bộ, viên chức Bệnh viện Đà Nẵng được đánh giá cao trong các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; đồng thời nhận giải thưởng của các Hội khoa học chuyên ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và thành phố Đà Nẵng.

Việc phát triển chuyên sâu các chuyên ngành đã đưa đến sự hình thành các trung tâm lớn như một xu hướng tất yếu. Đó là các Trung tâm Phụ sản - Nhi, Trung tâm Y học Hạt nhân - Xạ trị và sắp đến là Trung tâm Tim mạch. Nhiều kỹ thuật mới, hiện đại đã được triển khai như kỹ thuật PET/CT, kỹ thuật ghép thận…

Nhờ sự phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, người bệnh có thêm sự lựa chọn điều trị tại chỗ, góp phần đáng kể giải quyết bài toán kinh tế. Trung tâm miền Trung về Xạ trị và Y học hạt nhân được khánh thành vào tháng 9-2014 - là trung tâm duy nhất tại miền Trung và là trung tâm thứ ba trên cả nước - có hệ thống đồng bộ chụp PET/CT cùng với hệ thống Cyclotron sản xuất được chất phóng xạ 18F-FDG, mang lại hiệu quả chẩn đoán cao, kết quả tốt và đang được triển khai thêm nhiều lĩnh vực như tim mạch, thần kinh… ngoài ung bướu. Với trung tâm này, người bệnh nói chung, bệnh nhân ung thư nói riêng và nhất là người nghèo tại miền Trung sẽ vơi gánh nặng đi xa điều trị.

Đón đầu kỹ thuật

Các Hội đồng Nội khoa và Ngoại khoa có kế hoạch đào tạo theo ê-kíp, đào tạo chuyên sâu trong nước, nước ngoài để đón đầu các kỹ thuật mới, theo kịp với sự phát triển ở hai đầu đất nước và khu vực. Năm 2015, các khoa đề xuất các đề tài mang tính phát triển kỹ thuật mũi nhọn như mổ tim hở, nội soi, vi phẫu, tạo hình, siêu lọc, sinh học phân tử... là các đề tài cấp thành phố, cấp bộ, Nhà nước.

Điều dưỡng cũng tham gia nghiên cứu

Đề tài NCKH tại Bệnh viện Đà Nẵng tăng dần qua các năm. Nếu năm 2014 có 47 đề tài thì năm 2015, có 64 thuyết minh đề tài đã được Hội đồng Khoa học kỹ thuật bệnh viện - có 26 thành viên, do Giám đốc bệnh viện làm Chủ tịch - xét duyệt, trình Sở Y tế thẩm định. Cũng năm 2014, toàn bệnh viện có 50 kỹ thuật mới được triển khai; trong đó, có 16 kỹ thuật chuyên sâu được Sở Y tế giao từ đầu năm. Năm nay, các khoa tiếp tục đăng ký thêm 27 kỹ thuật mới.

NCKH không chỉ sôi nổi ở vài khoa, vài khối, mà là phong trào chung của toàn Bệnh viện Đà Nẵng khi ngay từ đầu năm, tất cả cán bộ - công nhân viên đều được triển khai kế hoạch và đăng ký NCKH, với các đề tài có chất lượng. Hoạt động nghiên cứu cũng cuốn hút cả lực lượng điều dưỡng.

Định kỳ hằng tháng, trong các buổi sinh hoạt khoa học, các kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới được báo cáo. Từ đó, thông tin về chỉ định, chống chỉ định, lợi ích của các kỹ thuật được phổ biến rõ ràng hơn và việc triển khai được thuận lợi hơn.

Một số kỹ thuật mới được phát triển

- Phẫu thuật và can thiệp tim bẩm sinh chỉ vài ngày tuổi và cân nặng thấp (2-3kg).

- Đặt stent graff trong phình tách quai động mạch chủ ngực.

- Ứng dụng kỹ thuật chụp kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA) trong can thiệp mạch vành, mạch não, mạch tạng.

- Cấp cứu: Các ê-kíp hoạt động một cách hiệu quả trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp như phẫu thuật tim - mạch máu (tắc mạch, phình bóc tách động mạch, vết thương tim - mạch máu…), ê-kíp điều trị tiêu sợi huyết ở bệnh nhân nhồi máu não sớm (thời gian vàng là 3 giờ)…

- Về hồi sức cấp cứu: Đã triển khai kỹ thuật lọc gan nhân tạo trong điều trị suy gan cấp; lọc máu thẩm tách siêu lọc liên tục. Năm 2015 đưa vào triển khai kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - ECMO.

- Hệ thống nội khoa và cận lâm sàng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị giúp nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, phát huy được hết khả năng chuyên môn như triển khai thường quy chụp và can thiệp mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và cắt đốt nội mạch bằng sóng radio cao tần (tim mạch); nội soi tiêu hóa không đau, cầm máu xuất huyết tiêu hóa trên bằng Hemolip (tiêu hóa); nội soi phế quản, đo chức năng hô hấp, quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD và hen (hô hấp); đo điện cơ, đo độ loãng xương bằng phương pháp Dexa (thần kinh-cơ xương khớp); HDF online (thận nhân tạo); nhiều xét nghiệm chuyên sâu đã được triển khai ở khối cận lâm sàng, đặc biệt kỹ thuật định lượng CYCLOSPORIN A, TARCROLIMUS ở bệnh nhân ghép thận (sinh hóa) và sự đa dạng trong hệ thống máy ở lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh: 4 máy CT (1 máy 64 dãy); 2 máy MRI (1 máy thế hệ 1,5Tesla); 2 máy DSA…

Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.