.

Bộ trưởng Y tế: "Tư duy quản lý bệnh viện vẫn còn như thời bao cấp"

.

Tư duy quản lý chất lượng bệnh viện vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý...

Bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình 2 -  Bệnh viện Việt Đức (ảnh: Thu Thủy)
Bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình 2 - Bệnh viện Việt Đức (ảnh: Thu Thủy)

Phải giao quyền tự chủ để các bệnh viện tự tăng cường quản lý chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, diễn ra sáng 12/9 tại TP HCM.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, để nâng cao chất lượng, đa số các bệnh viện đã thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng nhằm bao quát, giám sát chất lượng các hoạt động trong bệnh viện. Việc thực hiện khảo sát, ghi nhận sự góp ý của người bệnh đã giúp bộ mặt nhiều bệnh viện có sự thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên, vấn đề về quản lý bệnh viện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa được nâng cao, thậm chí tại một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, việc quản lý xử lý rác thải, quản lý các dịch vụ an ninh… đang còn kém.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tư duy quản lý chất lượng bệnh viện vẫn còn như thời bao cấp, đang còn bằng lòng với tất cả, chưa có sự linh hoạt, nhạy bén để thay đổi cách quản lý nhằm hướng tới sự hài lòng người bệnh. Vì vậy, quy hoạch lãnh đạo bệnh viện không chỉ có chuyên môn giỏi mà cần phải được đào tạo về quản lý.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ giao toàn quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, trong đó có tự chủ tài chính, tự chủ giá dịch vụ, bảo hiểm y tế… Bộ cũng sẽ đề nghị chính quyền địa phương giao quyền tự chủ về việc làm, nhân lực, nhân công, chi trả, lương thưởng… cho Sở Y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Bộ Y tế hỗ trợ và tạo ra cơ chế để đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính, trên tinh thần giá dịch vụ, tính đủ, tính đủ. Nhà nước hỗ trợ những người nghèo. Bản thân các bệnh viện cũng phải tìm nguồn để hỗ trợ cho người nghèo, người khó khăn, khi người ta đồng chi trả, khi người ta nghèo.

Theo Kim Dung/VOV

;
.
.
.
.
.