.

Cẩn trọng với dịch bệnh giao mùa

.

Liên tục trong những ngày gần đây, một số bệnh giao mùa có dấu hiệu bùng phát trên địa bàn thành phố.

Bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh trong hai tuần gần đây. Trong ảnh: Một ca mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ.
Bệnh sốt xuất huyết đang tăng mạnh trong hai tuần gần đây. Trong ảnh: Một ca mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ.

Ngoài việc chủ động phun hóa chất phòng ngừa, kịp thời dập tắt các ổ dịch, ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh, hạn chế tối đa dịch bùng phát trên diện rộng.

Dịch bệnh vào mùa

Ngày 1-11, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố cho biết, đang bước vào thời điểm chuyển mùa, lượng mưa tăng nên rất dễ bùng phát các loại dịch bệnh. “Trong hai tuần trở lại đây, dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, trung bình mỗi tuần toàn thành phố ghi nhận 150 ca mắc, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên con số 3.100. Nếu chúng ta không có các biện pháp phòng, chống kịp thời thì con số này có khả năng còn tăng cao vào dịp cuối năm”, bác sĩ Lãm nhận định. Một số quận có tỷ lệ ca mắc SXH cao như Ngũ Hành Sơn 453 ca (so với 88 ca cùng kỳ năm 2015), Cẩm Lệ 493 ca (so với 46 ca cùng kỳ 2015), Sơn Trà 504 ca (so với 119 ca cùng kỳ 2015)...

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa, đến nay TTYTDP đã phối hợp với Đội Y tế dự phòng các quận, huyện kiểm tra và xử lý 206 ổ dịch SXH được phát hiện tại các khu dân cư. Một số phường có ổ dịch xuất hiện bất thường như: An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), An Khê (quận Thanh Khê)... đã được phun hóa chất xử lý dứt điểm; đồng thời cán bộ y tế dự phòng cơ sở có nhiệm vụ theo dõi trực tiếp, nếu có dấu hiệu ổ dịch tái phát phải báo cáo ngay cho ngành Y tế thành phố.

Ngoài dịch SXH, dịch tay-chân-miệng cũng đang có dấu hiệu bùng phát với khoảng 60 ca mắc mỗi tuần, nâng tổng số ca mắc lên gần 1.500 ca tính từ đầu năm 2016 đến nay. Ngoài ra, số người nhập viện do các loại bệnh khác cũng có dấu hiệu tăng lên như: thủy đậu 15 (ca/tuần), sốt phát ban nghi sởi, Rubella...

Chủ động phòng dịch

Theo bác sĩ Võ Văn Tỵ, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng quận Cẩm Lệ, công tác phòng, chống dịch SXH nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung rất cần sự hợp tác của người dân địa phương. “Người dân biết rõ bệnh SXH là do muỗi truyền nên chủ động trong việc diệt muỗi, nhưng họ lại lơ là trong việc xử lý, hạn chế các vật dụng chứa nước như chậu cây cảnh, hộp đựng thức ăn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho bọ gậy, lăng quăng sinh sôi, phát triển.

Việc diệt muỗi vì thế rất bị động và chỉ giải quyết được phần ngọn”, bác sĩ Tỵ cho biết. Hiện quận Cẩm Lệ là địa phương có số ca mắc dịch SXH cao thứ hai thành phố với 41 ổ dịch được phát hiện. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ tiếp nhận và điều trị 15-20 ca SXH. Ngày 24-10 vừa qua, UBND quận Cẩm Lệ ban hành kế hoạch tổng dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm nhằm hạn chế tình trạng SXH. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tỵ, một số người dân vẫn thiếu hợp tác, thậm chí ngăn cản việc phun hóa chất diệt muỗi vào nhà.

Đó cũng là thực tế đang xảy ra tại nhiều địa phương. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, điểm cốt lõi của việc phòng, chống SXH là người dân tự diệt lăng quăng, còn ngành Y tế chỉ thực hiện việc phun hóa chất. “Mỗi người, mỗi nhà cần tự giác hơn nữa trong việc vệ sinh khu vực mình sinh sống. Ngoài ra, các địa phương cần xem phòng, chống dịch bệnh là một nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu, bởi hiện nay có nhiều nơi vẫn chú trọng các chiến dịch xanh, sạch, đẹp mà quên đi nhiệm vụ này”, bác sĩ Lãm nhấn mạnh.

TTYTDP thành phố khuyến cáo người dân nên dọn vệ sinh môi trường, phát quang cây bụi xung quanh khu vực mình sinh sống, hạn chế tối đa môi trường sinh sôi của muỗi. Ngoài ra, cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh thân thể, nhà ở và thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, đặc biệt với trẻ nhỏ, bởi thời tiết hiện nay trẻ em rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.