.

Quy hoạch làng đá mỹ nghệ Non Nước: Chưa biết khi nào di dời xong

.

Sau khi quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện, công tác di dời các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở Ngũ Hành Sơn vào địa điểm mới được triển khai. Tuy nhiên, qua nhiều đợt di dời, đến nay mới chỉ 85 cơ sở chính thức đi vào hoạt động tại Làng đá mới, hiện vẫn còn 100 cơ sở chưa được ký hợp đồng thuê đất.

Khu bãi đá nguyên liệu sẽ được cắt một phần để bố trí mở rộng  các cơ sở sản xuất đá xây dựng nhà xưởng.
Khu bãi đá nguyên liệu sẽ được cắt một phần để bố trí mở rộng các cơ sở sản xuất đá xây dựng nhà xưởng.

Theo quy hoạch, Làng đá mỹ nghệ Non Nước có tổng diện tích 35ha, với tổng vốn đầu tư 134 tỷ đồng, gồm các hạng mục: trồng cây xanh chắn bụi, làm đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải... Trong tổng diện tích quy hoạch có 7,7ha đất phân lô sản xuất, 7ha bãi chứa đá thô nguyên liệu.

Được biết, quá trình quy hoạch cơ sở mới, cơ quan chức năng để dành khoảng 2ha đất dự phòng để mở rộng làng đá. Việc di dời các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ vào khu quy hoạch nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, hư hỏng đường giao thông và tạo điều kiện để xây dựng Công viên văn hóa - tâm linh dưới chân Danh thắng Ngũ Hành Sơn tráng lệ.

Công tác di dời từ nơi sản xuất cũ về nơi mới đã thực hiện nhiều năm nay. Trong khoảng 450 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở Non Nước, hiện mới chỉ xét cho thuê đất 313 hộ và có 304 hộ có quyết định thuê đất tại khu quy hoạch mới; 261 hộ đã ký hợp đồng thuê đất (trong đó có 204 hộ đã nhận đất thực tế); có 178 hộ đăng ký giấy phép xây dựng và hiện đã có 113 hộ đã và đang xây dựng cơ sở sản xuất đá tại làng mới.

Theo đại diện Ban quản lý (BQL) Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, trong số trên 450 hộ gửi đơn đăng ký thuê đất, BQL kiểm tra và xét thực tế chỉ có 410 hộ đủ tiêu chuẩn. Như vậy, ngoài 313 hộ đã được xét duyệt, còn gần 100 hộ có hồ sơ thuê đất đủ tiêu chuẩn nhưng chưa có đất thực tế để bố trí.

Như vậy, hoạt động sản xuất đá tại địa điểm cũ (khu Danh thắng Ngũ hành Sơn) vẫn sẽ tiếp tục, nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, gây ồn ào và hư hại hệ thống giao thông do xe tải nặng chở nguyên vật liệu đá là có thực.

Việc quy hoạch Làng đá mỹ nghệ Non Nước ban đầu còn nhiều bất cập, quy hoạch nhà xưởng mỗi cơ sở có diện tích 5m x 20m là chưa hợp lý.

Tháng 5 vừa qua, sau khi nhận kiến nghị từ địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đồng ý cho mở rộng quy mô làng đá mới.

Theo đó, sẽ cắt một phần diện tích đất ở bãi tập kết đá nguyên liệu, quy hoạch phân lô sử dụng đất để mỗi cơ sở có chiều rộng từ 5m lên tối thiểu 7m nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc chia lô này không áp dụng cho hộ sản xuất đã nhận đất và làm nhà xưởng sản xuất.

Với việc điều chỉnh mới sẽ giải quyết được một số bất cập truớc đây. Tuy nhiên, theo đại diện BQL Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, gần một tháng kể từ thời điểm Chủ tịch UBND thành phố đồng ý mở rộng quy hoạch làng đá mới, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn về thực hiện chủ trương trên như thế nào.

Trong khi, gần 100 hộ sản xuất chưa có đất để bố trí cho thuê tại làng đá mới rất cần thiết nhanh chóng được giải quyết cho thuê đất, tiến hành xây dựng nhà xưởng để di dời và đi vào hoạt động.

Đồng nghĩa với việc, các hộ sản xuất này tiếp tục chờ và như cách nói của Trưởng ban BQL Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Võ Đức Huy là… “không biết khi nào mới hoàn thành công tác di dời làng đá vào cơ sở mới?”.

Được biết, để bảo đảm các hộ khi nhận đất buộc phải tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động, chấm dứt hoạt động tại cơ sở cũ, trong hợp đồng thuê đất quy định rõ, sau 6 tháng kể từ ngày ký thuê đất, buộc phải xây dựng nhà xưởng; sau 9 tháng từ ngày ký thuê đất không hoạt động sản xuất, hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.