Dân đề nghị góp tiền xử lý kênh ô nhiễm

.

Không chịu nổi cảnh sống chung với ô nhiễm môi trường (ÔNMT), hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên tuyến kênh hở thuộc tổ 9 (trước kia là tổ 38), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) đề nghị được góp tiền cùng chính quyền địa phương xử lý dứt điểm ÔNMT ở khu vực này.

Việc xả rác bừa bãi gây ách tắc cục bộ ở nhiều đoạn kênh Khe Cạn tại khu vực tổ 9, phường Hòa An.
Việc xả rác bừa bãi gây ách tắc cục bộ ở nhiều đoạn kênh Khe Cạn tại khu vực tổ 9, phường Hòa An.

Theo phản ánh của các hộ dân sống hai bên tuyến kênh hở thuộc tổ 9, phường Hòa An, tình trạng ÔNMT ở khu vực này đã xảy ra nhiều năm qua, nguyên nhân chủ yếu là do rác thải, nước thải đen ngòm không biết từ đâu cứ ùn ùn đổ về con kênh này, gây ứ đọng, tạo mùi hôi thối nồng nặc. Ông Lê Đức Diệp (tổ 9, phường Hòa An) cho biết, người dân ở đây gọi con kênh này là Khe Cạn. Kênh bắt đầu từ khu vực đường Lê Trọng Tấn (phường Hòa Phát) đi qua các phường: Hòa Minh (quận Liên Chiểu), Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) nối ra sông Phú Lộc. “Trước đây, kênh Khe Cạn ở khu vực này khá rộng, thế nhưng, từ khi xuất hiện nhiều nhà dân mọc lên dọc hai bên tuyến kênh thì kênh này dần bị bóp lại. Từ đó, rác thải, nước thải và đủ mọi thứ trên đời đều được xả và đổ thẳng ra con kênh này và ứ đọng ở nhiều khu vực. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên phường nhiều lần nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục”, ông Diệp bức xúc nói.

Qua ghi nhận thực tế tại kênh Khe Cạn cho thấy, khu vực này vô cùng nhếch nhác và bẩn thỉu với dòng nước đen ngòm, rác ngập kênh trải dài đến cả cây số. Đây là tuyến kênh hở và đồng thời cũng là “bể chứa” một lượng lớn nước thải sinh hoạt, sản xuất của người dân và các nhà máy, cơ sở sản xuất gần đó... rồi chảy thẳng ra sông Phú Lộc. Một số hộ dân ở khu vực này do không chịu được ô nhiễm nên đã bỏ tiền thuê người làm các tấm đanh lấp bề mặt ở một số đoạn kênh. Nhưng điều đáng nói là việc thi công không đúng quy trình, dẫn đến tình trạng ách tắc dòng chảy và làm cho khu vực này luôn bị ngập úng nặng mỗi khi trời mưa.

Ông Đặng Thanh Tùng, Tổ trưởng tổ dân phố số 9  phường Hòa An, cho biết người dân thường xuyên dọn vệ sinh môi trường tại tuyến kênh này nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để xử lý dứt điểm ÔNMT, ngập úng tại khu vực này, chỉ có giải pháp làm hệ thống cống kín. Ngoài một số nhà dân đã tự bỏ tiền làm hệ thống cống kín trước mặt nhà mình, đa số hộ dân sống dọc tuyến kênh Khe Cạn đều mong muốn được góp tiền cùng chính quyền địa phương xử lý dứt điểm tình trạng ÔNMT tại đây.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa An cho biết, trước đây Khe Cạn là nguồn nước dùng để tưới tiêu, trồng trọt. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, mật độ dân cư ở khu vực này ngày càng đông đúc nên kênh Khe Cạn đã trở thành điểm chứa rác của các hộ dân. Ngoài ra, cũng do ý thức của một bộ phận người dân kém nên xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi xuống kênh, gây ách tắc cục bộ ở nhiều khu vực, đặc biệt là đoạn kênh ở tổ 9.

Theo ông Dũng, hiện cả tuyến kênh Khe Cạn thuộc địa bàn phường Hòa An nằm trong vùng quy hoạch của dự án công trình tuyến thoát nước kênh Khe Cạn, được thực hiện theo quy trình làm hệ thống cống kín và bên trên quy hoạch đường 5,5m. Dự án này được phân thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ khu vực ngã ba Huế đến khu vực chợ Chiều (thuộc phường Hòa An) hiện đang được triển khai và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Giai đoạn 2 của dự án bắt đầu từ khu vực chợ Chiều đến khu dân cư (thuộc tổ 9, phường Hòa An) hiện đang triển khai công tác giải tỏa đền bù. Vì vậy, việc người dân đề nghị hỗ trợ kinh phí cùng chính quyền địa phương làm cống đậy tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây là khu vực đã được quy hoạch của dự án nên chính quyền địa phương cũng chỉ biết chờ dự án sớm triển khai. Trong khi chờ, để bảo đảm môi trường tại khu vực này, phường cùng các ngành chức năng của quận đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân không vứt rác bừa bãi ra kênh; tổ chức ra quân kêu gọi người dân thu dọn vệ sinh, nạo vét khơi thông lòng kênh này để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, ứ đọng, ngập úng…

"Việc người dân đề nghị hỗ trợ kinh phí cùng chính quyền địa phương làm cống đậy tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây là khu vực đã được quy hoạch của dự án nên chính quyền địa phương cũng chỉ biết chờ dự án sớm triển khai”

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND phường Hòa An

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.