.

Báo động buôn lậu qua đường hàng không

.

(ĐNĐT)- Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2012, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại thông qua cửa khẩu hải quan tăng lên đột biến, tinh vi và rất phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo sẽ còn “nhộn nhịp” hơn.

Từ ngoại tệ đến ngà voi

Số ngà nghi ngà voi bị Chi cục Hải quan
Số hàng nhập lậu (nghi là ngà voi) bị Chi cục Hải quan sân bay Đà Nẵng phát hiện mới đây.

Ông Nguyễn Quang Lãng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng (thuộc Cục Hải quan Đà Nẵng), cho biết từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phát hiện và xử lý 40 vụ vi phạm hành chính về hải quan. Trong đó, chủ yếu sai phạm trong hành vi vận chuyển hàng hóa, ngoại tệ…; nhập khẩu cần sa, thuốc tân dược gây nghiện; nhập đao, súng; nhập văn hóa phẩm…trái phép.

Gần đây, trong vòng ba ngày (từ ngày 12 đến 14-11), Đội Thủ tục xuất nhập cảnh và giám sát hải quan (thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng) đã liên tiếp phát hiện 3 người Trung Quốc giấu tổng cộng 35.000 USD và 48.000 nhân dân tệ trong hành lý xách tay để xuất trái phép.

Cụ thể, chiều 12-11, khi soi chiếu hành lý xách tay của hành khách Que Sheng Qi (sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc, số hộ chiếu G27127447) trên chuyến bay VN 550 từ Đà Nẵng đi Hàng Châu (Trung Quốc), Đội Thủ tục xuất nhập cảnh và giám sát hải quan đã phát hiện ông này đang giấu 20.000 USD.

Đến 17 giờ 30 cùng ngày, Đội này tiếp tục phát hiện trong hành lý xách tay của ông Lu Hui Quan (sinh năm 1971, quốc tịch Trung Quốc, số hộ chiếu G39845213) là hành khách trên chuyến bay VN 548 từ Đà Nẵng đi Quảng Châu (Trung Quốc) đang giấu số ngoại tệ 48.800 nhân dân tệ.

Hai ngày sau, qua soi chiếu hành lý xách tay của hành khách Gu Hui Jun (sinh năm 1969, quốc tịch Trung Quốc, số hộ chiếu E04024250)  trên chuyến bay VN 596 từ Đà Nẵng đi Ma Cao (Trung Quốc), Đội này lại tiếp tục phát hiện số ngoại tệ 15.000 USD không khai báo hải quan.

Theo Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm tới nay phát hiện 209 vụ vi phạm hành chính, trong đó có 22 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; 4 vụ nhập khẩu cần sa; 28 vụ nhập trái phép thuốc gây nghiện, hướng thần; còn lại là vi phạm về thủ tục hải quan.

Theo ông Lãng, sau khi tiến hành giám định, toàn bộ số ngoại tệ trên đều là tiền thật. Việc một người mang một số lượng ngoại tệ lớn như vậy qua cửa khẩu hải quan sân bay cho thấy phương thức gian lận ngày càng liều lĩnh (theo quy định mỗi người chỉ được phép mang 5.000 USD khi xuất, nhập cảnh).

Mới đây, ngày 3-12, trong quá trình làm thủ tục hành lý ký gửi của hành khách Nguyễn Thế Dân (quốc tịch Việt Nam, số hộ chiếu B6173586), nhập cảnh trên chuyến bay mang số hiệu MI633 từ Singapore đến Đà Nẵng, qua soi chiếu và mở kiểm tra thực tế valy, Chi cục Hải quan Sân bay Đà Nẵng phát hiện 5 đoạn màu trắng nghi là ngà voi, trọng lượng 31,6kg nhưng không khai báo.

Ngoài ra, tình trạng nhập khẩu hàng cấm (súng hơi, gươm…); nhất là tình trạng nhập lậu các văn hóa phẩm phản động, nói xấu chế độ, xuyên tạc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh….cũng nhiều hơn khi chiếm tỷ lệ 14/40 vụ vi phạm bị phát hiện.

Thủ đoạn tinh vi

Kiểm tra an ninh tại Sân bay cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng
Kiểm tra an ninh tại nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.

Tình trạng nhập lậu cần sa, thuốc gây nghiện… cũng là vấn đề đáng báo động, khi trong tổng số 40 vụ vi phạm bị phát hiện, có tới 4 vụ đối tượng nhập khẩu cần sa trái phép mà lần đầu tiên hải quan sân bay phát hiện thông qua đường bưu chính, bưu phẩm nhưng được giấu hết sức tinh vi, ngụy trang khéo léo vận chuyển vào Việt Nam.

Theo ông Phạm Ngọc Thuần, Phó cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, nhập lậu các chất gây nghiện không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh xã hội. Việc mang một số lượng chất gây nghiện qua cửa khẩu hải quan sân bay cho thấy bọn tội phạm ngày càng táo tợn, liều lĩnh và tinh vi.

Nguyên nhân của tình trạng gia tăng, theo ông Lãng, có thể do gần đây, số chuyến bay ra nước ngoài và ngược lại tăng nhiều, lượng khách cũng tăng nên khả năng đưa hàng lậu vào cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, rất có khả năng các đối tượng đánh giá việc đưa hàng lậu, hàng cấm qua đường hàng không có nhiều kẽ hở nên đang tiến hành thăm dò, nếu thuận lợi thì sẽ tiếp tục hoạt động trái phép.

Bên cạnh những hành vi thực hiện lâu nay, như: không khai hoặc khai sai về số lượng, chất lượng, chủng loại; khai báo hàng thuộc diện khuyến khích xuất khẩu nhưng thực chất là hàng hóa xuất khẩu có điều kiện hoặc cấm xuất khẩu… các đối tượng buôn lậu còn dùng rất nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng này.

Ông Lãng dự đoán, thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán 2013, tình trạng hàng lậu từ nước ngoài tuồn về nước (lợi dụng thông qua hàng bưu phẩm, bưu kiện, hàng quà biếu…) nên tình hình này sẽ có thể “nóng” và “nhộn nhịp” hơn.

“Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên tăng cường lực lượng, các phương tiện kỹ thuật, máy soi, camera giám sát, chó nghiệp vụ…cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát và xây dựng phương án; tăng cường phối hợp với các lực lượng công an thành phố để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại...”, ông Lãng nói.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh
 

;
.
.
.
.
.