.

Cạn nghĩ

.

Trong giây phút nóng giận, không hiểu biết pháp luật, bị cáo phải ra tòa để đối mặt với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” khi đã ở độ tuổi xế chiều…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Bị cáo đến phiên tòa từ sớm, gương mặt căng thẳng, hết đứng lên lại ngồi xuống, đôi bàn tay run bần bật níu vào vạt áo đã nhàu nhĩ ...

Chuông reo. Tới giờ xử, bị cáo lo lắng đến đứng trước vành móng ngựa, cả người co rúm lại. Đó là hình ảnh của bị cáo C.V.T (SN 1952, ngụ quận Thanh Khê).

Phiên xử vừa bắt đầu, bị cáo liền vội vã phân bua: “Tui chỉ nghĩ rằng tiền cổ nợ tui thì tui lấy lại, chớ tui không có cưỡng đoạt chi tài sản của cổ. Là do tui không hiểu biết pháp luật…”. Nỗi sợ hãi kéo bị cáo đi từ lời giải thích này đến lời phân trần khác: “Từ trước đến giờ, tui chưa có tiền án, tiền sự chi hết. Tui chỉ đi xích lô, xe thồ mà nuôi các cháu ăn học thành tài…”.

Theo cáo trạng, bà N.T.H (SN 1964, ngụ quận Hải Châu) vay mượn tiền của vợ ông T. đã lâu ngày nhưng không trả. Trưa 1-7-2014, thấy bà H. ở đường Ông Ích Khiêm, con gái của ông T. liền chặn lại rồi gọi điện cho cha. Nhận được tin báo, ông T. gọi điện cho con rể cùng đến.

Đôi bên lời qua tiếng lại giữa đường một lúc thì cùng thống nhất về nhà ông T. để giải quyết nợ nần. Tại đây, ông T. đánh bà H., lục lấy trong túi xách 800.000 đồng cùng điện thoại iphone của bà H. Đồng thời, ông T. yêu cầu “con nợ” phải viết giấy vay mượn 15 triệu đồng. Sau đó, bà H. làm đơn tố cáo hành vi của ông T. đến cơ quan điều tra.

2. Biện minh về hành vi của mình, bị cáo khai: “Tui già rồi, chuyện nợ nần của cổ với vợ tui, tui không rõ. Tui chỉ biết cổ có nợ tiền vợ tui. Vợ tui bệnh nặng, nằm một chỗ lâu rồi mà đòi nhiều lần cổ không trả. Hoàn cảnh gia đình tui khó khăn nên tui cũng sốt ruột.

Bởi rứa, nghe con gái nói thấy cổ là tui chạy đến gặp. Tui chỉ muốn giải quyết nợ nần cho xong để còn giải quyết chuyện trong nhà thôi. Tui đề nghị cổ về nhà mình, phần là không muốn ồn ào ngoài đường, phần là để cổ thấy được tình cảnh gia đình tui mà thông cảm, thấu hiểu và sớm trả nợ…”.

Ngừng cơn xúc động một lát, ông run run tiếp lời: “Rứa mà vừa vô tới nhà, cổ đã lớn tiếng quát tháo. Vợ tui vì vậy lên cơn đau đầu, choáng váng. Tui nói rằng, vợ tui đang đau, rồi nhiều lần nhắc cổ nhỏ tiếng mà cổ không nghe. Trong cơn bức xúc, tui không kiềm chế được, có tát cổ một cái để cổ im lặng…”.

Theo lời khai của bị cáo, sau đó, ông ra ngoài, để bị hại và vợ nói chuyện với nhau. Lát sau, ông vào nhà thì thấy hai bên đang lớn tiếng cãi nhau. Tức giận, ông tát thêm bị hại một cái. Đồng thời, ông lý giải về việc cầm cây đánh bà T.: “Lúc đó, chó nhà tui sủa dữ lắm nên tui cầm cái nẹp đánh chó. Rồi, cô T. hỗn láo quá nên tui nóng giận, sẵn cái nẹp trên tay mới đánh cổ…”.

Giữa chừng, người đàn ông 64 tuổi bỗng bật khóc, nghèn nghẹn: “Tui tiếc tiền quá, lại bất lực với cổ nên mới yêu cầu cổ viết giấy ghi nợ để giữ trong người, có cái sau ni dễ đòi. Giữa tui với cổ không có hận thù chi mà tui làm ác, làm dữ với cổ. Là tại tui thiếu kiềm chế, lại không am hiểu pháp luật…”.

TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm xét thấy vụ việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo có nhân thân tốt, đã lớn tuổi, vợ đang bệnh nặng nên  tuyên mức án 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

3. Án tuyên, bị cáo thất thểu ra về, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Tui đâu có hiểu chi pháp luật mô. Rứa tiền tui thì tui phải làm răng?…”.

Đây không phải là lần đầu tiên TAND hai cấp trên địa bàn Đà Nẵng xét xử vụ án “đòi nợ” như thế này. Không ít trường hợp xuất phát từ việc nợ nần mà “của đau, con xót” dẫn đến hành động thiếu thấu đáo rồi vướng vòng lao lý. Với suy nghĩ “tiền của mình thì mình lấy lại”, những nạn nhân trên đã tự biến mình thành… bị cáo, chỉ vì không am hiểu pháp luật.

Chính vì thế, vụ án trên đây thêm một lần nữa nhắc nhở mọi người cần bình tĩnh, thận trọng trước mỗi hành động của mình!

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.