.
Pháp luật & Công dân

Những vấn đề về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

(Tiếp theo)

* Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?

Trong việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung, Hội đồng bầu cử quốc gia còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau: Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND.

Hướng dẫn hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu HĐND. Kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND. Hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu HĐND và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

* Ủy ban bầu cử ở tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong bầu cử đại biểu Quốc hội?

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia.

Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định; chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri. Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở địa phương. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia; chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia; tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

* Ủy ban bầu cử ở các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn gì trong bầu cử đại biểu HĐND các cấp?

Trong bầu cử đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử ở các cấp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Chỉ đạo việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND cấp mình ở địa phương; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND; quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu HĐND ở cấp mình; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương; chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND ở địa phương.

Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND ở cấp mình. Nhận và xem xét hồ sơ của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp mình; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu HĐND đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tiến hành hiệp thương.

Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình theo từng đơn vị bầu cử đại biểu HĐND; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình.

Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu HĐND từ UBND cùng cấp và phân phối cho các Ban bầu cử chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử. Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp mình ở từng đơn vị bầu cử do các Ban bầu cử gửi đến; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND của cấp mình.

Chỉ đạo việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu HĐND theo quy định tại các điều 79, 80, 81 và 82 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND.

Trình HĐND khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu HĐND và kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND cùng cấp được bầu; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu HĐND của Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp mình, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu HĐND cấp mình do Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Bàn giao các biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về cuộc bầu cử đại biểu HĐND cho Thường trực HĐND cùng cấp khóa mới.

(còn nữa)

H.A tổng hợp

;
.
.
.
.
.