Cảnh báo tội phạm do nguyên nhân xã hội

.

Những vụ giết người xuất phát từ nguyên nhân xã hội gần đây xuất hiện nhiều. Mâu thuẫn cỏn con cũng đâm chém nhau đến mất mạng… Vì vậy, cần những giải pháp căn cơ, mang tính giáo dục, răn đe để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.

Một đối tượng gây án giết người tại quận Sơn Trà bị Công an bắt giữ.
Một đối tượng gây án giết người tại quận Sơn Trà bị Công an bắt giữ.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 10 vụ giết người do nguyên nhân xã hội. Điển hình, lúc 19 giờ 45 ngày 15-10-2017, tại quán Làng Beer (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), anh Đ.A.L (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) ngồi nhậu cùng nhóm bạn thì xảy ra mâu thuẫn với Phan Hồng Thư (SN 1991, trú tại huyện Hòa Vang). Sau đó Thư dùng dao bấm đâm 2 nhát vào ngực trái anh L., khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Thư đã đến cơ quan Công an đầu thú ngay sau đó.

Một vụ án khác lúc 21 giờ ngày 21-3-2017, Phạm Cường (SN 1979, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đến quán của chị Đ.T.N.A (SN 1992, trú phường Phước Mỹ) để ăn bánh mì. Trong lúc ngồi chơi, nghe tiếng nhạc từ quán phát ra quá to nên Cường nói với anh T.Q.T (SN 1996, trú phường Phước Mỹ) ở gần đó tắt nhạc. Anh T. không đồng ý, tỏ ra khó chịu với Cường. Một lúc sau, chị A. biết được Cường đến quán để quậy phá nên chạy về và cãi nhau với Cường. Lúc này, Cường nghĩ là do anh T. gọi điện nói cho chị A. biết nên đến tủ bánh mì của chị A. lấy dao đâm liên tiếp vào người anh T. khiến anh này bị thương rất nặng.

Đại tá Quách Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết, tình trạng giết người do nguyên nhân xã hội chủ yếu là do sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận trong xã hội có lối sống ích kỷ, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật. Đặc biệt, trình độ nhận thức của những đối tượng này rất hạn chế nên khi xảy ra mâu thuẫn, các đối tượng không kiềm chế được bản thân và hành xử trái với chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình, phát hiện những mâu thuẫn, bất đồng ngay tại cơ sở còn chậm; các biện pháp phòng ngừa xã hội chưa đạt hiệu quả cao, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức, chưa đi sâu vào trọng tâm…

Để phòng ngừa, ngăn chặn và kéo giảm loại tội phạm này, Đại tá Quách Văn Dũng cho rằng, cần phải có những giải pháp căn cơ mang tính giáo dục và răn đe; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở phải tăng cường nắm tình hình, sát với cơ sở để giải quyết kịp thời các vụ mâu thuẫn trong nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến xảy ra các vụ án mạng. Bên cạnh đó, cần tiến hành quản lý chặt các đối tượng có khả năng gây án như những nhóm thanh-thiếu niên hư, thường xuyên tổ chức ăn nhậu và gây rối an ninh trật tự; đồng thời phải quản lý chặt số đối tượng nghiện ma túy. Các địa phương cần tăng cường công tác tuần tra, nhất là vào ban đêm để phát hiện, giải tán kịp thời các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập ảnh hưởng an ninh trật tự. Cùng với các giải pháp phòng ngừa xã hội, phải có các giải pháp pháp luật như các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp điều tra nhanh để truy tố, xét xử, đưa ra xét xử lưu động để tăng tính răn đe và phòng ngừa chung.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.