XÉT XỬ CÁC VỤ ĐẠI ÁN

Bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm

.

● Xét xử Phạm Công Danh và đồng  phạm: Hé lộ những “thương vụ” ngàn tỷ

Tiếp tục phiên xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sáng 9-1, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng.

Bị cáo Đinh La Thăng  				Ảnh: TTXVN
Bị cáo Đinh La Thăng Ảnh: TTXVN

Tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng khai rằng mình giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ tháng 2-2006 đến đầu tháng 8-2011. Tháng 6-2010, bị cáo ký nghị quyết đồng ý về chủ trương giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, sử dụng vốn của PVN tại PVPower và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Khi HĐXX đặt câu hỏi “vì sao Nghị quyết 9396 của Hội đồng thành viên (HĐTV) đã nêu: PVC là tổng thầu liên doanh nhưng tại Công văn 871, bị cáo lại chuyển đổi nội dung của nghị quyết đó sang chỉ có PVC được chỉ định làm tổng thầu?”, ông Đinh La Thăng nói rằng đây là dự án cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải sớm triển khai thực hiện. Nếu triển khai như kế hoạch HĐTV PVN đã quyết định là thành lập liên doanh tổng thầu thì các đơn vị gặp khó khăn, mất nhiều thời gian trong việc tìm đối tác.

Trong khi nếu theo phương án tổng thầu trong nước và lựa chọn đối tác là nhà thầu nước ngoài sau thì sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian. Vì vậy, HĐTV đã đồng ý với phương án lựa chọn PVC làm tổng thầu. Bị cáo đã thay mặt HĐTV ký báo cáo xin phép giao PVC làm tổng thầu.

Nói về năng lực của PVC, ông Đinh La Thăng cho biết, năm 2010, PVC lãi gần 1.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC (40%), thu được 2.500 tỷ đồng. HĐTV làm việc có bộ máy giúp việc của Tập đoàn và các ban đều báo cáo PVN có đủ năng lực về tài chính cũng như từng tham gia một số dự án trước đó.

Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định, sau khi cho PVC tạm ứng 10% giá trị hợp đồng, ông đã chỉ đạo rõ, tiền ứng chỉ sử dụng cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không được dùng cho các dự án khác. Còn về hợp đồng EPC số 33, bị cáo khai rằng lúc đó chưa biết gì về hợp đồng này.

“Đến thời điểm này, bị cáo nhận thấy quá trình chỉ đạo, triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có sai phạm gì?”- HĐXX hỏi. Bị cáo Đinh La Thăng đáp: “Bị cáo đã nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát với vai trò là người đứng đầu của PVN, bị cáo do sức ép của tiến độ, trong chỉ đạo của bị cáo có lúc nóng vội, quá quyết liệt dẫn đến có lúc vi phạm quy trình, thủ tục. Bị cáo xin nhận trách nhiệm”.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và gần 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng gần 1.116 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh về trại giam chiều 9-1.             Ảnh: TTXVN
Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh về trại giam chiều 9-1. Ảnh: TTXVN

Trịnh Xuân Thanh chối bỏ trách nhiệm trong việc xin tiền tạm ứng

Sáng 9-1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trong phần thẩm vấn bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), khi được HĐXX hỏi về việc tự nhận thấy có sai sót gì trong việc ký Hợp đồng EPC số 33 của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã thừa nhận không đọc kỹ những nội dung chính của Hợp đồng số 33 này mà đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) ký.

Khai tại tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết, theo các báo cáo kiểm toán chính thống, tình hình tài chính của PVC thời điểm năm 2011 vẫn có lãi. Tuy nhiên, lãi bao nhiêu thì bị cáo không nhớ, nhưng cũng đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Sự chênh lệch giữa vốn đầu tư cho các công trình khác, các công ty con, so với vốn điều lệ là rất lớn.

Theo bị cáo Thanh, lúc này PVC là 1 trong 5 mũi nhọn của PVN, thực hiện các dịch vụ thi công xây lắp ở trên bờ. Do đó, khi thực hiện tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ, PVN đã chuyển một số công ty khác về PVC. PVC lúc đó chỉ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhưng khi các công ty con này chuyển về, PVC đã phải vay vốn để có tiền góp vốn vào các công ty con.

Giải thích lý do vì sao PVN chỉ định thầu cho PVC, Trịnh Xuân Thanh khai theo Luật Đấu thầu, không thể chỉ định thầu cho các công ty nước ngoài. Khi PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC số 33, bị cáo và PVC rất mừng, đồng thời đã liên hệ với các đơn vị đối tác tư vấn nước ngoài.

Mặc dù biết năng lực tài chính của PVC lúc này có vấn đề, nhưng bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng Việt Nam chỉ có PVC đủ khả năng thực hiện tổng thầu này. “Dựa vào kinh nghiệm đã từng hợp tác thành công với Lilama (Tổng Công ty lắp máy Việt Nam) ở nhiều công trình khác, anh Thăng và bị cáo hy vọng sẽ xây dựng một đơn vị tốt, làm lợi cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực kinh nghiệm cho PVC”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai.

Về quá trình chuẩn bị hồ sơ thủ tục cho Hợp đồng EPC số 33, Trịnh Xuân Thanh khai, Hội đồng quản trị đã giao Tổng Giám đốc Vũ Đức Thuận chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ. Vì trong thời gian ngắn nên việc chuẩn bị hồ sơ không thể kịp, đặc biệt là hồ sơ đề xuất. Trong khi đó, lãnh đạo PVN bắt buộc khởi công dự án đúng kế hoạch, thiếu giấy tờ thì cho nợ.

Tuy nhiên, bị cáo Thanh vẫn cho làm văn bản báo cáo, nói rõ nhanh nhất là tháng 5, Hợp đồng EPC số 33 mới hoàn thiện đầy đủ hồ sơ. Trước sức ép từ PVN, bị cáo vẫn chỉ đạo triển khai dự án. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận trách nhiệm trong việc Hợp đồng EPC số 33 không có phụ lục và cho biết chỉ đọc tờ trình thể hiện giá trị hợp đồng mà không đọc hồ sơ hợp đồng.

Về vấn đề xin tiền tạm ứng của PVN, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng mình không liên quan bởi đây là thẩm quyền của Tổng Giám đốc, không cần báo cáo, không cần thông qua Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai việc chi tiêu khoản tiền tạm ứng đó thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc PVC và kế toán trưởng có trách nhiệm báo cáo với Tổng Giám đốc mà không phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Xét xử Phạm Công Danh và đồng  phạm: Hé lộ những “thương vụ” ngàn tỷ

Ngày 9-1, ngày thứ 2 của phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại 3 ngân hàng: Sacombank, TPBank, BIDV.  Số tiền vay được, ông Danh sử dụng vào mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả.

Ngoài ra, để bảo lãnh cho các khoản vay này, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên. Sau đó 3 ngân hàng này đã thu nợ từ chính số tiền gửi này. Cụ thể, Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo lập khống hồ sơ vay 6.630 tỷ đồng của VNCB sang gửi tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền.

Bên cạnh đó, Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc cấp bảo lãnh cho các công ty của mình vay tiền nhưng không có tài sản đảm bảo; là người tổ chức việc phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại các ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi. VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các công ty của Danh. Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tính cả giai đoạn 1 của vụ án, Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến VNCB thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng.

B.T

;
.
.
.
.
.
.