.

Bốn anh em ruột trong ngày đại thắng

.

Bốn anh em ruột là bộ đội, cùng đi tập kết và cùng có mặt tiếp quản thành phố Đà Nẵng sau giải phóng. Điều hiếm hoi đó đã xảy ra ở bốn anh em dòng họ Nguyễn Bá ở Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng).

Bảy anh em trong gia đình: Hàng đứng từ trái qua: Nguyễn Bá Phước, Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Bá Ninh. (Ảnh gia đình cung cấp)
Bảy anh em trong gia đình: Hàng đứng từ trái qua: Nguyễn Bá Phước, Nguyễn Bá Phát, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Bá Ninh. (Ảnh gia đình cung cấp)

Đó là Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Tư lệnh Hải quân, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Hải sản; Đại tá Nguyễn Bá Trình, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk; Đại tá Nguyễn Bá Phước, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); Trung tá Nguyễn Bá Ninh, trợ lý chính trị Cục Chính trị Quân khu 5.

Họ là những người con trong gia đình có 7 người con đều tham gia cách mạng và hiện nay cả 7 người đều đã mất. Chị gái Nguyễn Thị Liên tập kết ra Bắc, hai người ở lại là Nguyễn Thị Hạt và Nguyễn Thị Hợi là cơ sở cách mạng ở Đà Nẵng. Bà Hạt từng cùng mẹ Nhu, (quận Thanh Khê) nuôi giấu cán bộ và biệt động Đà Nẵng.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, sinh năm 1921 là vị tướng tài trí. Tên tuổi ông gắn liền những chiến công vang dội ở Liên khu 5 thời chống Pháp và miền Bắc thời đánh Mỹ, cứu nước, có công trong việc đặt nền móng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học quân sự đợt đầu tiên. Ông được Bác Hồ rất yêu quý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi ông là người đồng chí thân thiết, luôn tin tưởng mỗi lần giao nhiệm vụ. Tên ông đã được đặt cho một đường phố chính ở Đà Nẵng. Một ngôi trường THCS ở Hòa Liên cũng đã mang tên.

Anh Nguyễn Bá Đức, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Liên Chiểu, con trai duy nhất của Đại tá Nguyễn Bá Phước đã kể về cuộc hội tụ của gia đình lần đầu tiên ở Hà Nội:

Năm 1968, tôi là học sinh miền Nam ra Bắc. Biết ba mình và chú bác ở ngoài ấy nhưng không biết đâu mà gặp. Vậy mà các anh ở trường đã nhiệt tình giúp tôi tìm ra bác Trình. Lúc ấy bác vừa ở Liên Xô về. Khi ba tôi từ Vĩnh Phú đến, bác tôi hỏi “Chú biết ai không? Thằng Đức, con chú đó!”. Ba tôi đã ôm chầm lấy tôi, trào nước mắt. Niềm vui đoàn tụ vẫn chưa hết. Chúng tôi cùng xuống Hải Phòng, ở đây có bác Phát vừa mới đi khảo sát chiến trường ra, cô Liên và cả chú Ninh đi nước ngoài về cũng đang có mặt. Cái Tết năm đó đặc biệt nhất, anh em quấn quýt không rời, cứ ngỡ như đang ở quê nhà. Có lẽ ít có gia đình nào ở miền Nam ra lại đông đủ thế.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, ngày giỗ đầu tiên của ông nội tôi, tất cả 7 anh em và con cháu lại có ngày đoàn viên. Ai nấy đều rơi lệ khi tưởng nhớ cha mẹ không còn sống mà nhìn thấy con cái trở về. Hiện nay, ngoài con cháu cô Nguyễn Thị Liên ở Hải Phòng, còn vợ con các chú bác tôi đều ở Đà Nẵng. Phát huy truyền thống gia đình, nhiều người con và rể tiếp tục con đường quân ngũ với hai người mang quân hàm đại tá.

Ông Nguyễn Duy Nghi, hiện ở xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, người bạn thân thiết của gia đình, vẫn nhớ như in cái ngày ông là công vụ cho Đại tá Nguyễn Bá Phước, lúc này là Phó Tư lệnh Mặt trận 4, Chủ tịch quân quản Hội An:

Sau khi tham gia giải phóng Hội An, anh Phước ra ngay Đà Nẵng. Vài ngày sau đó, vào buổi chiều, bốn anh em họ đã có một buổi đoàn tụ thật đáng nhớ ở khu gia binh đường Thống Nhất nay là đường Lê Duẩn.

Lúc này, anh Nguyễn Bá Phát là Tư lệnh Hải quân Tiền phương tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản Đà Nẵng. Anh Nguyễn Bá Trình là Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Hậu cần từ miền Bắc về, anh Ninh là đặc phái viên chiến trường B của Tổng cục Chính trị cũng đã vào. Tôi còn nhớ, cả bốn người mặc quân phục, đội mũ cối, lần lượt từ trên các xe của đơn vị bước xuống, ôm chầm lấy nhau, cười hể hả.

Chiến tranh đạn bom ác liệt, họ vào sinh ra tử là thế mà không ai hề hấn gì. Không biết lúc đó các anh ở Tỉnh đội kiếm đâu ra mấy chai bia mà mọi người rót chúc mừng nhau rất vui vẻ. Gặp nhau khoảng một tiếng thì phần ai nấy đi. Anh Phước đi cù lao Chàm, anh Phát đi giải phóng Trường Sa. Sau đó không bao lâu, tôi lại chứng kiến bốn anh em trong bộ quân phục về quê Hòa Liên thắp hương gia tiên, hình ảnh ấy thật là xúc động. Họ dựng bia di tích, khắc ghi công lao cha mẹ.

Theo Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), chịu ảnh hưởng của người cha - cụ đồ nho cũng là thầy địa lý có uy tín trong làng - những người con trong gia đình luôn giữ nếp gia phong, ăn nói với nhau nhỏ nhẹ, cuộc sống giản dị, là những cán bộ gương mẫu, có uy tín với đồng đội, được mọi người rất kính trọng. Riêng 4 anh em là sĩ quan cao cấp, có nhiều đóng góp cho quân đội nhưng ai nấy cũng chỉ sống trong căn nhà cấp 4. Họ từng mong muốn xây lại ngôi nhà trên nền cũ đã bị giặc Pháp phá ở Hòa Liên làm nơi quây quần mỗi khi có dịp về quê vẫn chưa thực hiện được.

Người xưa đã thành thiên cổ, nhưng bóng dáng 4 anh em họ Nguyễn Bá xanh màu quân phục ôm chầm lấy nhau bên bờ sông Hàn sau ngày giải phóng năm 1975 như còn đâu đây trong những ngày tháng 4 lịch sử này…

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.