.
Hồ sơ tên đường

Trần Anh Tông, Vua Trần mở cõi về Nam

.

Trần Anh Tông tên thật là Trần Thuyên, là vị vua thứ tư của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Kế nghiệp vua cha là Trần Nhân Tông, trong 21 năm (1293-1314) ở ngôi và 6 năm làm Thái Thượng hoàng, ông là vị vua anh minh trong đời Trần, làm cho đất nước thái bình, thịnh trị.

Năm 1293, sau khi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 kết thúc, vua Nhân Tông lui về làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho Anh Tông. Khi mới lên làm vua, Anh Tông hay uống rượu, đêm thường lén rời cung đi chơi, có lần bị bọn vô lại ném trúng đầu. Có lần say rượu xương bồ đến nỗi Thượng hoàng Nhân Tông ở Thiên Trường (Nam Định ngày nay) về kinh đô Thăng Long, các quan đều ra đón rước cả, mà ông vẫn nằm ngủ.

Thượng hoàng cả giận, đùng đùng bỏ về Thiên Trường, hạ chiếu cho bá quan phải về đấy hội họp với dự định truất ngôi ông. Khi tỉnh rượu, ông hoảng quá, chạy vội ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài, nhờ người này thảo bài biểu dâng lên Thượng hoàng để tạ tội, rồi cùng nhau xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu, quở mắng một lúc rồi tha lỗi cho ông. Về đến kinh sư, ông ban cho Đoàn Nhữ Hài chức Ngự sử Trung tán và từ đấy bỏ hẳn rượu.

Ông để lại một chấm son trong giai đoạn thịnh trị của nhà Trần là nhờ có những tôi trung thần giỏi, hết lòng giúp việc nước như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu (một trong những văn tài từng được vua Tự Đức ca ngợi qua hai câu “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”), Phạm Ngũ Lão, Lê Trung Hiển... Vua hiền, tôi trung, phép nước nghiêm trang, thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì khuất tất, việc học hành mở mang rộng rãi… Nhờ đó, những người có tài văn học như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đều được thi đỗ, ra làm quan và thực tâm giúp việc triều đình và đã lưu lại tiếng thơm muôn thuở.

Là vị vua có cá tính, ông chính thức bỏ tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi của các vua Đại Việt từ xưa. Một hôm Thượng hoàng Nhân Tông bảo ông rằng: “Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được”. Ông tuy vâng mệnh nhưng thừa lúc Thượng hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy, vua Đại Việt mới không vẽ mình nữa.

Ông cũng là người không để cho sự mê muội dẫn dắt. Sử cũng chép rằng năm 1320, khi ông đau nặng, hoàng hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh tử, ông gạt phắt đi mà bảo rằng: “Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết”.

Trong thời gian ở ngôi, ông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Hưng Long. Sau đó, ông nhường ngôi cho con là Trần Minh Tông để làm Thái Thượng hoàng trong thời gian 6 năm (1314-1320) thì mất.

Ông có làm tập Thủy vân tùy bút (Tùy bút nước mây) gồm 2 quyển, dưới mỗi bức họa đều có thơ đề, nhưng ông đã sai đốt trước khi chết. Nay thơ ông chỉ còn lại 12 bài chép trong Việt âm thi tập. Có bài làm trên đường đi đánh giặc, có bài vịnh sử, có bài bàn về đạo Thiền.

Ngoài có công trong việc trị nước an dân, Trần Anh Tông được hậu thế biết đến là một vị vua mở cõi về phương Nam. Thực hiện lời hứa của Thượng hoàng Nhân Tông với vua Chiêm Thành là Chế Mân, ông thuận lòng gả em gái mình là Huyền Trân về Chiêm làm hoàng hậu của Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân cung tiến hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) cho Đại Việt để làm sinh lễ. Năm 1307, ông tiếp thu 2 địa danh này, di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên là Thuận Châu (Bắc Hải Vân Quan) và Hóa Châu (Nam Hải Vân Quan). Dân Chiêm Thành bỏ đất lui về phía Nam.

Ở Đà Nẵng, tên ông được đặt cho con đường dài 550m, rộng 10,5 (ảnh), nối từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường 5,5m, thuộc khu tái định cư Thanh Lộc Đán, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 49/2006/NQ/HĐND ngày 22-12-2006 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.