.

Bước ra từ tác phẩm văn học

Tôi luôn có cảm giác gặp lại người đàn bà ấy ở khắp mọi nơi. Người đàn bà làng chài lam lũ, cực nhọc từ trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu đi thẳng một mạch vào cuộc sống quanh tôi không một chút chần chừ. Người đàn bà ấy ngày nào cũng đi qua ngõ nhà tôi với tiếng rao chới với khản đặc. Chiếc xe đạp cũ kỹ nghiến răng ken két cố chịu đựng sức oằn từ đống chai bao ngất ngưởng bên trên. Nhìn từ đằng sau, chiếc xe như không người lái chệnh choạng nghiêng ngả giữa buổi trưa cháy nắng…

Tôi biết chị từ dạo hè năm ngoái, khi chị rụt rè xin tôi lượm mấy thứ bỏ đi trong bao rác trước cổng nhà. Đôi bàn tay to và sần sùi không ngần ngại xộc vào bao rác thải để nhặt từng vỏ chai nhựa, bìa giấy các-tông cũ… Tấm áo rộng lùng thùng không giấu được đôi vai gầy nhô lên ướt đẫm mồ hôi. Chiếc khẩu trang chống nắng che kín gần hết khuôn mặt chỉ chừa lại đôi mắt mệt mỏi, đầy nhẫn nhục. Đôi mắt của những người đàn bà chắt chiu đời mình trong khó nhọc mưu sinh.

Uống một hơi hết ly nước mát tôi mời, trông chị tươi tỉnh lên phần nào. Khi biết tôi là cô giáo của một trường THPT dưới phố chị bỗng tươi vui hẳn lên. Cái giọng đặc sệt của miền đất cát Thăng Bình khiến câu chuyện của chị thêm phần chân chất. Chị tự hào khoe với tôi về hai đứa con đang học ở Trường Đại học Kinh tế và Cao đẳng Nghề tại Đà Nẵng.

Từ hồi các con chị ra thành phố học cũng là lúc gánh nặng áo cơm đè nặng lên đôi vai vợ chồng chị. Tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà… và bao nhiêu thứ khác ở phố đều đắt đỏ như nhau. Chị bấm bụng giao lại mấy sào ruộng cho người chồng cùng đứa con gái út đang học lớp 10 trường huyện ra Đà Nẵng buôn ve chai. Ba mẹ con thuê một phòng trọ chật hẹp ở Hòa Khánh để ở. Ban ngày các con đi học, chị đạp xe khắp Liên Chiểu mua ve chai bán kiếm tiền chợ búa, cơm nước. May mà có gạo, khoai, bí, bầu từ trong quê gửi ra, không thì mấy mẹ con còn vất vả hơn nữa…

Từ hôm trò chuyện với chị, tôi bỗng thấy yêu tiếng rao khàn khàn cất lên từ trái tim của người mẹ nhân hậu. Có một bận cả mấy tuần liền không thấy chị đi ngang qua ngõ, tôi thấy lo lo trong lòng… Tôi thầm cầu mong đừng có điều gì không may đến với người mẹ nghèo khổ ấy. Vậy mà lúc gặp lại chị, trông chị buồn lắm. Chị bảo người chồng ở quê vì tham công tiếc việc nên bị ngã gãy chân không đi lại được. Cả tháng nay chị phải về quê chăm chồng… để mặc hai đứa con tự lo liệu. Đứa đầu học kinh tế nhận thêm mấy suất dạy kèm để thằng em rảnh rỗi học tập. Hôm nay chị đem gạo ra tiếp tế cho chúng nó nhân tiện chạy mua bán kiếm thêm vài đồng gửi về thuốc thang cho chồng…

Từ ngày biết chị, tôi bỗng thấy mình đâm ra lẩn thẩn, ngồi trong nhà nhưng luôn lắng nghe những tiếng rao ngoài ngõ và mường tượng khuôn mặt từng người.

“Bèo, ít, nậm, lọc…”, cái giọng Huế ngọt lịm, chơi vơi như cuộc đời cô gái lấy phải anh chồng suốt ngày mê đá gà hơn cả vợ con. “Ai mì lá, bún ký không?”, lảnh lót ngân dài là của người đàn bà có gương mặt trắng trẻo nhưng dáng đi lại nhuốm màu vất vả. Nghe nói ngày trước nhà bà nhiều ruộng vườn lắm. Đến hồi giải tỏa được một số tiền kha khá và mấy lô đất. Tưởng chừng sẽ an nhàn lúc tuổi già. Vậy mà thằng con trai sinh tật cá độ, đề đóm… khiến tiền cũng đội nón ra đi mà mấy lô đất cũng chẳng còn. Bà lại trở lại nghề tráng mì thời con gái để nuôi chồng và trả nợ cho con…

Nụ cười hiền dịu của chị làm tôi sực nhớ đến câu nói của người đàn bà làng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Người đàn bà không chịu bỏ chồng dù bị chồng bạo hành vẫn luôn thấy “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”. Người đàn bà ấy dù ít học nhưng vẫn nhận ra rằng hạnh phúc nhất là được sống vì con cái của mình. Rốt cuộc là hạnh phúc bao giờ cũng rất giản dị, gần gũi mà đôi lúc con người cứ loay hoay tìm kiếm.

Như Hạnh

;
.
.
.
.
.