.

Tìm hạnh phúc qua cơn lốc số phận

.

Có thể nói, ý tưởng chủ đạo xuyên suốt tập thơ Mơ trong bão của Lương Hữu Quang là thân phận của các sinh thể mang tên con người bị xô tới cư trú trên trái đất giữa mênh mông vũ trụ đầy bấp bênh này. Các sinh phận đau khổ trôi dật dờ giữa dòng đời và trong thời gian. Dòng đời và thời gian vừa hiện thực vừa siêu hình. Thực như trận lũ kia bất ngờ ập đến, trận lũ làm:

Trôi chó, mèo, gà lợn
… cả làng trôi ra biển
sót lại chỉ mình bà

(Trắng mắt)

Cả làng bị dòng lũ cuốn đi. Một dòng lũ rất thực, cuốn trôi và trôi và trôi tất cả. Không thể cứu vãn. Không đấng nào cứu chuộc. “Đức Chúa ở đâu? Bồ Tát đâu rồi?”, - những sinh phận kia kêu cứu, để không nhận lấy một lời đáp trả. Lương Hữu Quang gọi đó là một “mẻ lưới định mệnh”. Mẻ lưới thôi đã vậy, mặt đất này còn chịu đựng bao nhiêu mẻ lưới khác, khốc liệt ngàn lần hơn. Điều trớ trêu là, mẻ lưới đã cuốn trôi tất cả, chỉ bỏ lại… một sinh thể. Một sinh linh vừa già nua vừa yếu đuối, sinh linh đã nhận đủ bao nỗi đời, một sinh linh như thế có lẽ “cần” được cuốn trôi sớm hơn cả (hay nói theo ngôn ngữ đời thường, là đáng “về nhà” trước); nhưng chính sinh linh đó đã bị bỏ lại: “sót lại một mình bà”. Sót lại, như là cách trêu ngươi khác của định mệnh dành cho con người!

Các thân phận như thế có mặt suốt tập thơ, dù lộ hay ẩn, nhưng luôn có mặt. Định mệnh nặn ra thân phận có khi đến từ ngoại cảnh.

Chị như loài hoa cỏ
mộc mạc tinh khôi
lớn lên cùng hương ngô hương lúa

Cơn bạo bệnh ập đến
cướp đi
bờ môi hồng
đôi mắt đen
vầng trăng trước ngực

(Chị tôi)

Cũng có khi định mệnh được/ bị tác thành do chính những sinh phận cư trú cạnh ta, gần gũi và thân thiết. Cả người tưởng trọn đời cùng ta gắn bó, đột ngột phũ phàng và bỏ rơi ta. Phi lí hơn cả trận lũ kia đã để “sót lại” một cụ già đơn côi, yếu đuối.  

Ngả đời bất hạnh
… số phận ngược về đâu?
… Ai cõng mẹ con em vượt dốc quạnh hiu này?

(Bạc phận)

“Run rẩy và sợ hãi” cho nên phi lý hơn mọi phi lý chính là định mệnh mang tên “thời gian”. Chúng ta mới sinh ra đã đủ già để chết, ai nói thế? Thời gian phá hủy nền văn minh to lớn như văn minh Khmer mà cả một dân tộc đã dày công dựng lên, thời gian phá nát công trình kiến trúc như một Kim Tự Tháp tưởng “vĩnh cửu với thời gian”, thời gian làm lu mờ trí tuệ minh mẫn, làm biến mất sắc đẹp rực rỡ nhất:

Mặt buồn
da xanh
quyến rũ ngày nào đi đâu hết

(Gặp lại)

Gom tất cả hình thái định mệnh kia lại, nhà thơ gọi đó là những “cơn lốc số phận”. Hay thi vị hơn: “con thuyền định mệnh chất đầy nỗi đau” (Hắn đã say). Nó tuyệt đối không chừa trừ một sinh phận nào cả! Từ anh nhà quê vô danh tiểu tốt cho đến văn nhân lừng danh, từ kẻ tử tù đáng thương sắp lãnh án cho đến đấng quân vương đang nắm mọi quyền sinh sát trong tay, “cơn lốc định mệnh” ùa tới và tràn lên sẵn sàng đè bẹp sinh phận nhỏ nhoi ấy, đột ngột và bất ngờ đến không lường trước được.

Cảm trạng yếu đuối, nhỏ bé của phận người trước bao la của vũ trụ, các nhà thơ và triết gia xưa nay đã nói nhiều rồi. Bằng cảm quan của một thi sĩ, Lương Hữu Quang không phải không cảm nhận được điều đó: “vũ trụ bao la nho nhỏ kiếp người” (Hạt bụi lang thang). Thế nhưng, tiếp sau cảm trạng đó, là cái gì, đó mới là điều thiết yếu. Triết học phi lý của Albert Camus được diễn tả như là “sự nhạy cảm phổ biến của thời đại chúng ta”. Hình ảnh biểu trưng cho sự phi lí ấy được thể hiện qua hành động của anh hùng Sisyphus, một nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp. Nhân vật này bị các thần linh kết án phải làm công việc thậm vô ích, là lăn một tảng đá lên ngọn núi để nhìn nó rơi trở lại. Cứ thế… kéo dài cả đời. Người anh hùng ấy đã “nhận phận và yêu mệnh”. Camus cả quyết rằng, ông ta “hạnh phúc”.

Với Lương Hữu Quang, sau bao “cơn lốc số phận” kia, điều gì còn lại? Chắc chắn đó là sự thông hiểu: “cuộc đời là hạt bụi lang thang” (Hạt bụi lang thang). Thông hiểu và yêu thương và hạnh phúc, tại sao không? Đoạn thơ cuối ở bài thơ cuối cùng:

Mây trôi trắng
lục bình trôi xanh
ý nghĩ trôi trong thời gian lấp lánh
từng người trôi trong bàng bạc chiều

(Chỗ ngồi vắng)

Đó là thi ảnh đẹp. Cái đẹp của người thi sĩ nhận chân được hạnh phúc cả khi “trôi trong bàng bạc chiều”! Với ý hướng truy tìm hạnh phúc qua “cơn lốc số phận”, có thể coi tập thơ Mơ trong bão của Lương Hữu Quang là một thành công.

INRASARA

;
.
.
.
.
.