.

Những kiến giải mới

.

Giới sử học hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng từ nhiều năm nay đã quan tâm đến đề tài Nguyễn Tri Phương trong mối quan hệ với cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải. Thành phố Đà Nẵng đã hai lần tổ chức kỷ niệm ngày Đà Nẵng kháng Pháp năm 1858.

Lần thứ nhất vào năm 1998 và lần thứ hai năm 2008. Lần này, Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống Liên quân Pháp-Tây Ban Nha 1858-1860” mong muốn góp phần làm rõ những đóng góp của Nguyễn Tri Phương vào trận đầu nhân dân Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước chống lại âm mưu của thực dân phương Tây muốn nuốt chửng nước Đại Nam qua cửa ngõ Đà Nẵng.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm những anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860), tại nghĩa trang Sơn Gà - địa điểm mới của Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: L.A.R
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng thắp hương tưởng niệm những anh hùng, nghĩa sĩ hy sinh tại mặt trận Đà Nẵng (1858-1860), tại nghĩa trang Sơn Gà - địa điểm mới của Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: L.A.R

Từ các tham luận gửi đến Ban tổ chức hội thảo, chúng tôi tạm xếp theo hai chủ đề như sau: [1] Triều đình Huế với chiến trường Đà Nẵng với tham luận của các tác giả: PGS. TS Đỗ Bang và ThS Đoàn Anh Thái, ThS Dương Thị Tuyết và Nguyễn Quốc Luật, Nguyễn Thiếu Dũng, Huỳnh Đình Quốc Thiện, PGS.TS Lưu Trang, Hồ Trung Tú, Hà Phước Mai,  Võ Văn Hòe,  ThS Lưu Anh Rô…; [2] Danh tướng Nguyễn Tri Phương với tham luận của các tác giả: PGS.TS Ngô Văn Minh, ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, ThS Nguyễn Xuyên, TS Nguyễn Văn Đăng và Phạm Nhân Đức, Nguyễn Mạnh Hồng, ThS Lê Xuân Thông, ThS Lê Thị Thu Hiền, Châu Yến Loan, Lê Duy Anh, Nguyễn Phước Tương, Trương Duy Hy, Nguyễn Thế…, cùng với bài phát biểu của đại diện hậu duệ tộc Nguyễn xã Phong Chương, huyện Phong Điền - quê hương bản quán Nguyễn Tri Phương.

Làm khoa học thường hướng về việc tìm tòi phát hiện cái mới, tuy nhiên để trình bày/trao đổi một cái gì mới về Nguyễn Tri Phương lúc này thực khó, bởi lẽ những gì chúng ta đang biết về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng không nhiều hơn so với 15 năm trước. Qua hội thảo này, chúng ta chỉ có thể kỳ vọng vào những kiến giải mới trên cái nền sử liệu sẵn có xưa nay. Chẳng hạn nhận ra mối quan hệ giữa việc Nguyễn Tri Phương có mặt tại Đà Nẵng thời vua Minh Mạng với việc ông trở lại nơi đây vào thời vua Tự Đức - để từ đó giải thích ưu thế vượt trội của ông trong khi thực hiện chiến thuật phòng thủ để tiến công/lấy thủ làm chiến - có thể xem là một kiến giải mới.

Cũng có thể xem là một kiến giải mới khi trong tham luận “Tấm bản đồ chiến sự năm 1858”, tác giả Hồ Trung Tú qua một tấm bản đồ có tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane” - Vị trí Đà Nẵng, với dòng chú thích tiếng Pháp tạm dịch: “Bản đồ Đà Nẵng (do Liên quân Pháp-Tây Ban Nha - BVT) tìm được trong nhà một ông quan (người Việt - BVT) ngày 15-9-1859” mới phát hiện được trên mạng theo đường dẫn của thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, tác giả có thể hình dung rõ hơn cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải. “Xem tấm bản đồ được vẽ một cách chi tiết với tỷ lệ chính xác một cách đáng ngạc nhiên, chúng ta không chỉ nhận ra lực lượng hai bên cùng những bố trí phòng tuyến, lũy hào, vị trí các đồn canh, trạm gác, mà khi đối chiếu với các nguồn sử liệu chúng ta ngạc nhiên nhận ra tấm bản đồ như còn mô tả được chi tiết những gì đã xảy ra trong những ngày tháng hào hùng và anh dũng này”. Trong tư duy bản đồ học, nhà nghiên cứu Hà Phước Mai đến từ Bảo tàng Đà Nẵng còn có tham luận “Thăng trầm thành Điện Hải” giới thiệu một số sơ đồ thành Điện Hải cũng đang được lưu trữ tại thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris.

Cũng có thể xem là một kiến giải mới khi trong tham luận “Tư tưởng chiến lược và chiến thuật dụng binh của Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng”, PGS.TS Ngô Văn Minh đến từ Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực 3 đặc biệt nhấn mạnh chiến thuật phòng thủ để tiến công của Nguyễn Tri Phương trong mối quan hệ với tư tưởng chỉ đạo chiến trường của vua Tự Đức - người được xem là Tổng tư lệnh tối cao trong cuộc chiến tranh vệ quốc này, người đã lựa chọn ông làm tư lệnh mặt trận Đà Nẵng. Tác giả trích dẫn Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn nêu rõ sáu điều hại của thế thủ theo như Tổng tư lệnh tối cao phân tích nhằm khẳng định sự lựa chọn đầy bản lĩnh và nhạy cảm quân sự mang dấu ấn Nguyễn Tri Phương. Quả là phòng thủ bị động - thủ chỉ để mà thủ - thì có thể dẫn đến thất bại nặng nề trong chiến trận, nhưng Nguyễn Tri Phương xin vua lấy thủ làm chiến, phòng ngự để tiến công chứ đâu có xin thủ chỉ để mà thủ. Và thực tế chiến trường chứng tỏ Nguyễn Tri Phương đã sáng suốt và dũng cảm lựa chọn phương án đúng.

Cũng có thể xem là một kiến giải mới khi trong tham luận “Sự trọng dụng của vua Tự Đức đối với Nguyễn Tri Phương trước và trong thời gian Pháp tấn công Đà Nẵng (1858-1860)”, ThS. Dương Thị Tuyết đến từ Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng và tác giả Nguyễn Quốc Luật đến từ Trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến Đà Nẵng đi sâu nghiên cứu sự trọng dụng của vua Minh Mệnh, vua Thiệu Trị và nhất là của vua Tự Đức đối với danh tướng Nguyễn Tri Phương. Theo các tác giả, chính vua Minh Mệnh là người sớm phát hiện sở-trường-quan-võ so với sở-đoản-quan-văn trong bản thân Nguyễn Tri Phương: “Minh Mạng đã nhận thấy được sở trường của Nguyễn Tri Phương trên lĩnh vực quân sự hơn là lĩnh vực văn chương”; còn vua Thiệu Trị không chỉ trọng dụng Nguyễn Tri Phương trên cương vị một võ tướng mà còn đánh giá cao Nguyễn Tri Phương với tư cách một đại thần có khả năng tham mưu cho vị vua kế nghiệp mình trong việc cai trị đất nước. Các tác giả nhấn mạnh đến việc vua Tự Đức lựa chọn người thay thế tướng Lê Đình Lý vừa mới hy sinh tại mặt trận Đà Nẵng và nhất là cách nhà vua ứng xử trước sự “kiên định lập trường” của tướng Nguyễn Tri Phương: “… Nếu như vua cũng không tin tưởng, không tỏ lòng kiên nhẫn vào Nguyễn Tri Phương với những sách lược mà ông đưa ra thì có lẽ chúng ta sẽ khó có được chiến thắng”.

Cũng có thể xem là một kiến giải mới khi trong tham luận “Triều đình Huế với chiến cuộc Đà Nẵng 1858-1860”, PGS. TS Đỗ Bang và ThS Đoàn Anh Thái đến từ Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh đến vai trò tham mưu về “công tác cán bộ” của Trương Đăng Quế - người mà trước khi diễn ra chiến cuộc 1858-1860 đã đi khắp Quảng Nam đôn đốc việc xây đắp đồn lũy để phòng thủ: “Trong một hội nghị đình thần bàn về chiến sự Đà Nẵng, Trương Đăng Quế đã thẳng thắn đề nghị với vua Tự Đức nhất thiết phải điều Nguyễn Tri Phương vào chỉ huy mặt trận Đà Nẵng đánh Pháp”. Các tác giả này còn chú trọng đến chủ trương nuôi dưỡng sức dân và dựa vào dân để chiến đấu của triều đình Huế và của bản thân vua Tự Đức, thể hiện qua một bài thơ chữ Hán của Đặng Huy Trứ: “Binh thị trão nha quan thắng phụ / Dân duy huyết mạch hệ an nguy / Tự cổ nhân hòa đệ nhất nghĩa / Thiên thời địa lợi tận do chi” - Binh là móng vuốt quan hệ đến việc thành bại / Nhưng chỉ dân mới là huyết mạch quyết định đến sự an nguy của đất nước / Từ xưa nhân hòa là nghĩa lớn nhất / Còn thiên thời địa lợi cũng từ đấy mà ra.

Trong “Mấy suy nghĩ về phương sách đánh Pháp của Nguyễn Tri Phương tại mặt trận Đà Nẵng 1858-1860” của ThS Lê Xuân Thông đến từ Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đã nêu ra những nhận định khá bao quát khi bàn về tư duy quân sự của Nguyễn Tri Phương ở mặt trận Đà Nẵng. “Về cơ bản chúng ta đánh giá cao ông đã có tư tưởng và cách đánh giặc đúng đắn, góp phần không nhỏ làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, đẩy chúng đi đến thất bại về mặt chiến lược, nhưng cũng phải khách quan thừa nhận ở ông một số hạn chế nhất định”. Nhưng hạn chế rõ ràng nhất và căn bản nhất của Nguyễn Tri Phương là quá chú trọng công tác phòng ngự mà lại thiếu sự chủ động tiến công và phản công địch. Và ngay cả trong việc tổ chức phòng ngự, kế sách của Nguyễn Tri Phương cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, chẳng hạn như việc tổ chức phòng ngự không chỉ thiếu chiều sâu mà còn dàn trải và thiếu sự liên lạc chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau”.

Trong một hội thảo khoa học, những ý kiến mang tính phản biện như thế này - dẫu có tính thuyết phục cao hoặc có thể còn chưa thật thuyết phục - cũng đều đáng trân trọng.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.