.

Khởi nghiệp với nghề đầu bếp

.

Sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng và nhu cầu của cuộc sống hiện đại đã mở ra cơ hội cho nghề đầu bếp có chỗ đứng trong xã hội, trở thành nghề “hot” thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường chuyên nghiệp.

Bạn Nguyễn Lương Hoàng (ngoài cùng bên trái) đoạt giải nhì trong Hội thi Đầu bếp giỏi - Đà Nẵng mở rộng 2013 với món lẩu hải sản Asean. Ảnh: M.K
Bạn Nguyễn Lương Hoàng (ngoài cùng bên trái) đoạt giải nhì trong Hội thi Đầu bếp giỏi - Đà Nẵng mở rộng 2013 với món lẩu hải sản Asean. Ảnh: M.K

Đừng đòi hỏi mức lương

Đoạt giải nhì trong Hội thi “Đầu bếp giỏi - Đà Nẵng mở rộng 2013” vào cuối tháng 8 vừa qua với bạn Nguyễn Lương Hoàng (sinh năm 1989, đầu bếp tại Khách sạn Crowne Plaza) là bước khởi đầu quan trọng giúp bạn có cơ hội nâng cao tay nghề. Sau cuộc thi, Hoàng được phía Hàn Quốc mời tham dự ngày hội ẩm thực được tổ chức với quy mô lớn, quy tụ nhiều đầu bếp giỏi của các nước châu Á. Tại ngày hội này, Hoàng đã giới thiệu và trình diễn nhiều món ăn Việt Nam được người dân xứ sở Kim chi rất ưa thích như bánh cuốn Sài Gòn, mì Quảng, phở Hà Nội... “Mình rất muốn giới thiệu các món ăn Việt Nam ra nước ngoài để bạn bè quốc tế biết đến đất nước hình chữ S xinh đẹp với ẩm thực vừa phong phú vừa mang đậm bản sắc dân tộc”, Hoàng chia sẻ.

Thích nấu ăn từ lúc nhỏ, học xong phổ thông, Hoàng nộp đơn xin học đầu bếp để thỏa niềm đam mê nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè. Nhiều người “nói ra nói vào” khuyên Hoàng nên chọn học nghề khác vì cho rằng nghề đầu bếp không sang trọng. Thế nhưng Hoàng vẫn mạnh dạn theo đuổi niềm đam mê của mình. Học xong 2 năm nghề bếp tại Trường Trung cấp nghề Thăng Long, thời gian đầu đi làm, Hoàng phải đối mặt với nhiều va chạm trong nghề mà ở trường Hoàng chưa bao giờ biết đến. Ra trường xin việc tại những quán ăn nhỏ, bạn chỉ được làm những công việc phụ bếp lặt vặt như nhặt rau, rửa chén, lau chùi... với mức lương không quá 1 triệu đồng/tháng.

Hoàng vẫn không quên những lần bị bếp trưởng la mắng vì chế biến sai công thức, vì nêm nếm không đạt khiến Hoàng cảm thấy tự ái và nản lòng. Thế nhưng với niềm đam mê trở thành một đầu bếp thực thụ, sau những lần vấp ngã, Hoàng đã nỗ lực phi thường để bám trụ với nghề. Hoàng tâm sự: “Những ngày đầu đi làm tại các quán ăn, mình không bao giờ đòi hỏi mức lương mà xem đây là nơi để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Vì vậy, các bạn trẻ khi ra trường đừng ngại va chạm, đừng chê làm việc tại những quán ăn nhỏ vì chỉ có những nơi đó mới giúp các bạn trưởng thành”.

Theo nhiều người trong ngành cho hay, trường học chỉ là nơi để các bạn trẻ khởi nghiệp với nghề. Có rất nhiều đấu bếp giỏi, nổi tiếng trong nghề không phải từ bằng cấp mà từ ý chí phấn đấu không ngừng, chăm chỉ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhiều người phải trải qua thời gian dài làm phụ bếp và thực hành để chứng tỏ tay nghề mới được phụ trách chính. Với các nhà hàng lớn, khả năng ngoại ngữ cũng là một yêu cầu bắt buộc.

Anh Nguyễn Anh Tiến, Bếp trưởng Nhà hàng Sen (đường Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Đầu bếp giống như “nghệ sĩ ẩm thực”, cần phải rèn luyện, học hỏi mới nâng cao tay nghề. Nếu có lòng tự ái quá cao, các đầu bếp trẻ sẽ rất khó trụ được. Thêm vào đó, tiếng Anh cũng được xem là tiêu chí quan trọng để các bạn thăng tiến trong nghề. Ở nhiều nhà hàng lớn, bếp trưởng đa số là người nước ngoài, nếu không biết tiếng Anh, khi họ giao việc thì làm sao mình hiểu”.

 Không bao giờ sợ thất nghiệp

Nếu như trước đây, nghề đầu bếp bị “chê” là nghề tầm thường, có mức thu nhập thấp thì vài năm trở lại đây, nghề này được xã hội trân trọng khiến số lượng các bạn trẻ theo học tăng nhanh một cách chóng mặt. Theo số liệu thống kê của Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc, mỗi năm nhà trường đào tạo khoảng 1.200 sinh viên các ngành học, trong đó chiếm khoảng 60% sinh viên theo học nghề đầu bếp và hơn 90% ra trường có việc làm.

Không cần bằng cấp cao, chỉ cần có chút đam mê về ẩm thực cộng với sự kiên trì, bền bỉ, các bạn trẻ có thể lập nghiệp với nghề đầu bếp với mức lương khởi đầu khá hấp dẫn. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc cho biết: “Nghề đầu bếp có tính ổn định, càng làm việc nhiều thì giá trị nghề nghiệp càng cao. So với nhiều ngành nghề khác, mức thu nhập cũng khá hơn, nhất là những đầu bếp làm trong nhà hàng lớn, thu nhập mỗi tháng trên cả nghìn USD”.

Nhiều đầu bếp có tiếng tại Đà Nẵng cho hay, với nhu cầu lớn như hiện nay, học nghề bếp không bao giờ sợ thất nghiệp, quan trọng là tinh thần nỗ lực rèn luyện và sự chịu thương chịu khó để bám trụ với nghề. Nghề đầu bếp khó nhất là nêm nếm gia vị và tạo dựng các món ăn. Để làm được điều này, ngoài sự sáng tạo, người đầu bếp phải có kiến thức vững về nguồn gốc và xuất xứ của món ăn, độ dinh dưỡng, thói quen ẩm thực của từng vùng... Nếu chịu khó học hỏi, không ngại va chạm, các bạn trẻ sẽ có cơ hội làm việc tại những nhà hàng lớn, resort cao cấp.

Dù có những thành công nhất định trong nghề, thế nhưng, những đầu bếp như Lương Hoàng, Anh Tiến vẫn không ngừng phấn đấu. 12 năm đến với nghề “tung chảo”, hiện nay đã là bếp trưởng của một nhà hàng lớn tại Đà Nẵng nhưng anh Tiến vẫn cố gắng học thêm ngoại ngữ. Còn với bạn Hoàng, sau 4 năm làm việc tại Crowne Plaza, giờ đây con đường đầu bếp rộng mở hơn nhiều.

Sau khi đoạt giải tại cuộc thi đầu bếp, Hoàng được nhiều nơi trong và ngoài nước mời tham gia các hội thi tay nghề lớn nhỏ. Mới đây, vượt qua nhiều vòng loại khá khắt khe, Hoàng là một trong những đại diện của Đà Nẵng lọt vào vòng bán kết cuộc thi “Chiếc thìa vàng” quy tụ nhiều đầu bếp giỏi của cả nước được tổ chức vào tháng 12 tới với giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng. Nếu thành công trong cuộc thi này, Hoàng ấp ủ dự định sẽ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn nước ngoài. Hoàng cho biết: “Mình vẫn muốn làm việc ở nước ngoài để giới thiệu món ăn Việt Nam cho nước bạn và biết thêm ẩm thực của nhiều nước trên thế giới. Sau vài năm, mình sẽ về Việt Nam làm việc để cống hiến tay nghề”.

MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.