.

Bóng đá bị tấn công

.

“Ngày đen tối”, “ngày xấu hổ”, “thảm họa với môn thể thao vua” là những từ ngữ tiêu biểu mà thế giới vừa thốt lên sau vụ nhiều quan chức cao cấp của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) bị bắt vì can tội hối lộ, nhận hối lộ hôm 27-5.

Dù vẫn nghe phong thanh lâu rồi chuyện mờ ám, lạm quyền trong bộ máy điều hành bóng đá thế giới nhưng công chúng không khỏi bàng hoàng về biến cố kinh thiên động địa này. Vụ bắt giữ diễn ra trước thềm cuộc bầu cử chủ tịch FIFA nhiệm kỳ mới với một trong hai ứng viên là Chủ tịch đương nhiệm Sepp Blatter (ảnh)- người vốn bị phê phán độc đoán và tham quyền cố vị. Trong số những người bị bắt có phó chủ tịch đương nhiệm và không ít quan chức có vai vế trong cơ quan thể thao quyền lực nhất hành tinh.

“Kẻ sai phạm phải bị loại trừ khỏi bộ máy!”, lập tức ông Blatter lên tiếng ủng hộ sự ra tay mạnh bạo của cơ quan điều tra. Khi cuộc bầu cử sắp tiến hành, ai ở vào địa vị của Blatter lúc này cũng phải mạnh miệng như thế để  chứng minh sự vô can và tâm huyết của mình đối với tiến trình làm trong sạch bóng đá. Tuy vậy, người ta không thể không đặt dấu hỏi rằng người đứng đầu FIFA đứng ở đâu trong chuỗi hành động tắc trách, thờ ơ và lơi lỏng của bộ máy do mình quản lý. Có chăng hiện tượng cấp dưới tác oai tác quái vì nhận ra người đứng đầu của họ cũng yếm thế và tai tiếng? Lẽ nào ông Blatter không nhận ra trách nhiệm khi để cấp dưới nhúng chàm?

Một trong những sai phạm của các quan chức FIFA kia là đã nhận tiền hối lộ trong chiến dịch vận động giành quyền đăng cai hai vòng chung kết World Cup sắp diễn ra ở Nga năm 2018 và Qatar năm 2022. Phanh phui bước đầu của cơ quan điều tra cho thấy tham nhũng đã ăn sâu- thậm chí bám thành rễ lưu niên- trong bộ máy lãnh đạo FIFA và làm hoen ố hình ảnh lẽ ra phải được bảo vệ trong sạch của môn bóng đá. Liên đoàn Bóng đá châu Âu - một thành viên của FIFA vốn có nhiều biểu hiện bất phục với các lãnh đạo FIFA- đánh giá sự cố là một thảm họa đối với bóng đá thế giới mà chỉ có thể gột rửa bằng một cuộc cải tổ sâu rộng, toàn diện và triệt để. Theo UEFA, việc làm cần kíp lúc này là hoãn cuộc bầu cử chủ tịch FIFA.

Xét trên diễn biến vụ việc, đây là một đề nghị thiết thực bởi ai cũng thấy khi bức màn mờ ám chưa được kéo lên giữa thanh thiên bạch nhật thì mọi cố gắng của FIFA lúc này dễ rơi vào thiếu thực chất, trở thành đề tài để công chúng giễu cợt. Bóng đá đã bị tấn công bằng một đòn chí mạng qua sự cố này và kẻ tấn công không ai khác chính là các quan chức thối nát từ lâu bám vào cơ quan quyền lực của FIFA để trục lợi, mua danh. Sân chơi hồn nhiên trong sáng đã bị vấy bẩn bởi chính những người được giao phận sự bảo vệ tính công bằng, chuẩn mực. Biến cố này chắc chắn sẽ lưu lại vết sẹo sân cỏ khó phai.

Bóng đá đã bị tấn công một cách phũ phàng và người chịu thiệt lớn nhất không ai khác chính là công chúng, những người vốn dõi theo sân chơi này bằng tất cả tâm hồn tươi mát, bằng kỳ vọng hồn nhiên về một trảng cỏ bình yên xanh thắm giữa cuộc đời vốn đầy dẫy tai ương vì ma mãnh, bất công. Với FIFA và các quan chức của nó, đây là ngày đáng hổ thẹn nhưng với những ai yêu mến môn thể thao này thì đó chính là ngày tổn thương, mất mát vô bờ...

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.