.

Trẻ em di cư người Anh

.

Triển lãm với chủ đề  “Trẻ em di cư người Anh” đang diễn ra tại Bảo tàng V&A (Anh) tái hiện một giai đoạn lịch sử đau lòng về những trẻ em di cư từ Anh sang các thuộc địa ở nước ngoài giữa những năm 1869 và 1970.

Những trẻ em người Anh trên đường di cư.
Những trẻ em người Anh trên đường di cư.

Hàng loạt  bức ảnh đã xoáy vào nỗi đau của quá khứ chưa được lãng quên. Nhìn bức ảnh của những đứa trẻ người Anh đang khệ nệ mang những chiếc vali lớn gần bằng cơ thể chúng, có vẻ hể hả như sắp bắt đầu cuộc nghỉ hè thú vị. Nhưng không phải thế, đây là những trẻ em từ các gia đình thiếu thốn ở Anh, đang được chuyển đến Úc vào năm 1938  để gia nhập nông trường Fairbridge ở Molong, New South Wales bắt đầu những chuỗi ngày lao động cực nhọc.

Một hình ảnh khác với chừng 40 chàng trai người Anh đã được đưa đến Fremantle, Western Australia, vào năm 1947. Tại đó, mỗi người được tách ra và gửi đến các tổ chức khác nhau, nơi mà lạm dụng tình dục đã được phổ biến. Trong một bức ảnh khác, cậu thiếu niên đứng trên giàn giáo trên một tòa nhà ở Bindoon Boys Town, miền Tây Australia, vào năm 1952, với nhiệm vụ góp phần vào việc xây dựng các trường học.

Những đứa trẻ ở Nông trường Fairbridge được huấn luyện trồng cây và rau xanh.
Những đứa trẻ ở Nông trường Fairbridge được huấn luyện trồng cây và rau xanh.

Từ năm 1869 -1970, ước tính có khoảng 100.000 trẻ em người Anh đã được gửi đến Canada, Úc và các quốc gia thịnh vượng chung khác như là một phần của sáng kiến do các tổ chức từ thiện và các tổ chức tôn giáo tuyên bố cung cấp các bé trai và bé gái tìm một cuộc sống tốt hơn ở “Đế chế Anh ở nước ngoài”. 

Các bức ảnh công khai vào thời điểm đó được mô tả trẻ em tươi cười, vô tư vẫy tay từ boong của tàu biển, đúng như một bức vẽ tay “Chuyến đi của tôi tới Australia”  của cô bé 12 tuổi có tên Maureen Mullins bằng bút chì màu sắc rực rỡ và hình ảnh của con tàu SS Otranto đang đưa cô đến một cuộc sống mới tại Úc được trưng bày tại triển lãm.

Nhưng những gì theo sau lại là sự cô lập và tổn thương. Các em trở thành nạn nhân của nghèo đói hay bệnh tật. Đại đa số các trẻ em không bao giờ nhìn thấy những ngôi nhà hoặc gia đình của họ một lần nữa. Triển lãm làm sáng tỏ câu chuyện của họ. Và nông trường Fairbridge ở Molong, New South Wales, Úc là nơi bị công luận lên án nhất.

Nhật ký của Maureen Mullins.
Nhật ký của Maureen Mullins.

Ron Simpson, một trong những đứa trẻ đầu tiên đến nông trường Fairbridge, vào năm 1938, đã kể về những sự lạm dụng ông phải chịu đựng. Trải qua ba năm trong bệnh viện sau khi trở lại với vết thương sau lần bị một đầu bếp cưỡng hiếp và bị người cai quản đánh đập ông bằng gậy, Ron Simpson nói với phóng viên: “Nơi đây là một ký ức nặng nề cho cuộc sống của tôi và những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Tất cả đã trải qua địa ngục này. Nhiều đứa trẻ bị nói dối là cha mẹ của chúng đã mất”.

Đi làm thợ phụ xây dựng.
Đi làm thợ phụ xây dựng.

Trong thời gian gần đây, bằng chứng của sự lạm dụng lao động trẻ em  đã được đưa ra ánh sáng. Nông trường Fairbridge  ở Molong đã bị đóng cửa vào năm 1974.  Tháng 11-2009, Thủ tướng Úc, Kevin Rudd chính thức xin lỗi những người di cư ngay chính trên đất nước mình.

Tháng 2-2010, chương trình phát sóng truyền hình trực tiếp của BBC, cựu Thủ tướng Gordon Brown đã xin lỗi về vai trò của Anh trong việc gửi hơn 100.000  trẻ em di cư đến các nước thuộc địa cũ, nơi trẻ em bị nhiều lạm dụng.

Ông bày tỏ sự hối tiếc cho những “sai lầm” của Chương trình di cư trẻ em, ông “thực sự xin lỗi”. Ông cũng công bố một quỹ 6 triệu bảng để đoàn tụ các hộ gia đình đã bị xé lẻ, tách rời.  “Vô tình chúng tôi đã trục xuất người vô tội”, ông Brown nói “Chúng tôi rất xin lỗi đã gửi các cháu đi vào lúc lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi thành thật nhận lỗi, đất nước đã quay lưng lại thay vì chăm sóc cho họ”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.