.

Thuyền to vươn khơi

.

Tàu đánh bắt xa bờ giờ có công suất lớn, ra khơi xa không phải lo bão trời nữa mà lo nhất là gặp “bão người”.

Với kỳ vọng tránh rủi ro từ bão trời và “bão người”, anh Trần Văn Mười đầu tư hơn 18 tỷ đồng đóng tàu sắt đánh bắt xa bờ. Ảnh: V.T.L
Với kỳ vọng tránh rủi ro từ bão trời và “bão người”, anh Trần Văn Mười đầu tư hơn 18 tỷ đồng đóng tàu sắt đánh bắt xa bờ. Ảnh: V.T.L

Việc ngày càng có nhiều tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn được đóng mới và hạ thủy, theo ông Trần Văn Thành, Phó phòng Kinh tế quận Sơn Trà, “đây là sự chuyển dịch tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

An toàn hơn cho con người

Tàu ĐNa 90567TS của anh Trần Văn Mười (trú ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là tàu đánh bắt xa bờ được cho là lớn nhất miền Trung hiện nay với công suất 1.200 CV, ngang 7,2m, dài gần 30m, đóng hết 3,6 tỷ đồng. Tàu câu mực khơi rất hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng lại không an toàn về tính mạng con người. Mười từng than thở: Làm cái nghề câu mực này mỗi lần bước xuống cái thúng câu là có cảm giác như tự ký cái án tử. Giữa giông bão mịt trời, hồn không phải treo cột buồm mà “đậu” trong cái đèn điện leo lét ánh sáng móc bên thúng để tránh tàu tông vào mình. Bão trời thì cả năm chỉ một vài trận, nhưng “bão người” thì dày đặc hơn nhiều. Đó là khi tàu mình giáp mặt với tàu Trung Quốc (TQ), mình mà vớt thúng không kịp là nhiều bất trắc xảy ra.

Những thông tin về tàu xa bờ bị tàu TQ “gây khó” rộ lên trên báo chí thời gian qua như giọt nước tràn ly để Mười quyết định bán tàu ĐNa 90567TS lại cho một người ở Bình Định với giá chưa tới 2 tỷ đồng. Anh mua lại tàu ĐNa 90541TS công suất 650 CV giá 1,95 tỷ đồng, bỏ thêm 1,2 tỷ đồng nữa lắp máy phát điện 260kVA và 400 đèn cao áp, mỗi đèn 1.000W, để chuyển qua nghề chụp mực khơi. Chạng vạng bật giàn đèn lên, đàn mực kéo nhau tụ lại, lao động trên tàu chỉ việc bấm máy quăng lưới rồi dùng tời thắt đáy lưới lại là có ngay một mẻ mực nặng ký. Lao động chỉ còn 14 người, toàn đứng trên tàu nên không còn lo rủi ro về con người nữa.

Mỗi lần tàu câu mực của Mười gặp tàu chụp mực của ngư dân TQ là phải tránh đi vì giàn đèn của họ sáng rực, mực chạy hết qua bên đó. Ra khơi mà tàu thuyền không hiện đại thì đua không lại tàu TQ; phải đầu tư “tới bến”, chứ làm nửa vời là không hiệu quả, Mười bảo. Đà Nẵng đã có người làm nghề chụp mực, nhưng vì tàu nhỏ, điện yếu nên không ra được ngoài khơi, hiệu quả kinh tế thấp. Tàu câu mực trước đây của anh một đêm chỉ câu khoảng 2 - 4 tấn. Tàu sắt của ngư dân TQ làm nghề chụp mực dài 50m, chỉ 6 người mà một đêm thu được 4 – 10 tấn. Anh biết điều này vì khi tàu ra đến hải phận quốc tế, ngư dân TQ, Philippines, Việt Nam bơi qua chơi với nhau là chuyện thường.

Nhận thấy tàu hiện đại vừa an toàn cho con người, vừa hiệu quả về kinh tế, Mười quyết định đóng tàu sắt 822 CV dài 31m, khi hạ thủy vào cuối năm nay sẽ kẹp với tàu gỗ ĐNa 90541TS thành cặp đôi làm nghề chụp mực. Con tàu sắt trị giá 18,2 tỷ đồng này, như anh nói, sẽ “hiện đại từ A tới Z”, ngoài hệ thống giữ lạnh, còn có giàn đèn gồm 200 đèn cao áp của TQ và 300 đèn LED của Hàn Quốc. Đèn LED chỉ tiêu hao điện năng từ 400W – 800W nhưng có độ sáng bằng 4 đèn cao áp 1.000W của TQ. Vẫn biết “lợi hại” là thế, nhưng anh không thể trang bị hết đèn LED vì mỗi đèn có giá tới... 33 triệu đồng!.

Phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Cơ cấu tàu thuyền của quận Sơn Trà trong năm 2014 đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm số tàu khai thác vùng bờ, vùng lộng và tăng số tàu đánh bắt xa bờ. Theo nhận định của ông Trần Văn Thành, đây là kết quả của các chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ của Nhà nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Toàn quận, tàu có công suất từ 90 CV trở lên tăng từ 153 chiếc (năm 2013) lên 201 chiếc (năm 2014); tính đến 30-6-2015, con số này đã tăng lên 235 chiếc, trong đó có 142 tàu từ 400 CV trở lên với tổng công suất 72.242 CV.

Theo số liệu của Phòng Kinh tế quận, từ đầu năm đến nay, có 4 hộ (đều trú ở phường Nại Hiên Đông) đóng tàu mới trên 800 CV, đều được hạ thủy và ra khơi từ đầu tháng 7 vừa rồi. Hồ sơ 4 tàu này đã được chuyển lên thành phố để cấp hỗ trợ mỗi tàu 800 triệu đồng theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12-12-2014 của UBND thành phố Đà Nẵng. Cũng theo mức hỗ trợ này, hiện có thêm 2 tàu mới, một của ông Võ Thế (phường An Hải Đông), một của ông Bùi Văn Nhựt (phường An Hải Bắc), sắp sửa hạ thủy.

Về số lượng tàu xa bờ, xếp sau quận Sơn Trà là quận Thanh Khê. Ông Đặng Phước Tuấn, Phó phòng phụ trách Phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho hay hiện toàn quận có 58 tàu đánh bắt xa bờ có công suất 90 CV trở lên. Mỗi năm có 2-3 tàu xa bờ được đóng mới với công suất 400 CV trở lên, riêng trong năm 2015 có thêm 2 tàu công suất 900 CV được đóng mới. Nhiều hộ có hai tàu đánh bắt xa bờ như các ông bà Lê Hữu Thảo, Lê Thị Huệ, Huỳnh Thị Như Hoa… Hiệu quả nhất là tàu công suất 865 CV của hộ ông Đào Ngọc Bé trú tại phường Thanh Khê Đông hành nghề lưới rê hỗn hợp, theo đánh giá của ông Tuấn, bình quân một năm hộ này đã thu được lợi nhuận hơn 500 triệu đồng sau khi trừ các chi phí khác.

Người ta nói “thuyền to, sóng lớn”, nhưng giờ đây nhiều ngư dân sẵn sàng đầu tư tiền tỷ, thậm chí chục tỷ, mà không ngại “sóng lớn”. Bây giờ dự báo thời tiết chính xác, lại thêm tàu công suất lớn nên xác suất rủi ro từ bão rất thấp, “hồn treo cột buồm” gần như trở thành chuyện của ngày hôm qua. Lo nhất đối với ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng, là gặp tàu Hải cảnh TQ. Khi phóng viên hỏi nếu rủi ro bị bão tố hoặc tàu Hải cảnh TQ làm hư hại thì bản thân chủ tàu giải quyết như thế nào, ông Tuấn trả lời: “Nếu gặp bão tố, ngư dân liên tục thông tin cho các cơ quan chức năng về tình hình tàu thuyền đang gặp nạn để được điều động tàu đến cứu hộ; nếu không thông tin được với cơ quan chức năng thì liên hệ với tổ, đội khai thác xa bờ gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nếu thấy tàu TQ quá hung hăng thì liên hệ với cơ quan chức năng để hướng dẫn đưa tàu và thuyền viên vào bờ an toàn”.

Nhiều ngư dân Sơn Trà, như anh Nguyễn Thân, phường An Hải Bắc, làm nghề lưới cản, chỉ ra biển tới tọa độ 110 – 112 độ kinh Đông. Tàu anh Trần Văn Mười thì ra đến 114 - 119 độ kinh Đông, gần hải phận quốc tế. Việc ngày càng có nhiều tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn được đóng mới và hạ thủy, theo ông Thành, “đây là sự chuyển dịch tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Toàn thành phố, theo số liệu của Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, tàu thuyền khai thác thủy hải sản mấy năm trở lại đây đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm số tàu khai thác vùng bờ, vùng lộng và tăng số tàu đánh bắt xa bờ. Cụ thể, theo bảng dưới đây:

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.