.

Cách nào để châu Âu đối phó tốt nhất với di dân?

.

Người dân ở châu Phi hay Trung Đông tìm cách di cư sang châu Âu. Những cuộc nội chiến đẫm máu và kéo dài khiến người dân tìm cách bỏ chạy khỏi quê hương nhưng sâu xa thì biến đổi khí hậu đã mở đầu cho những bất ổn xã hội mà di dân chỉ là hậu quả của nó.

Hạn hán kéo dài nhiều năm ở Syria.
Hạn hán kéo dài nhiều năm ở Syria.

Hình ảnh người di cư bất chấp hiểm nghèo giữa biển khơi hay nằm vật vạ ở các ga tàu tại châu Âu thật xót xa. Họ buộc phải rời bỏ quê hương vì bất ổn xã hội dường như không có lối thoát. Chẳng hạn như người dân Syria buộc phải bỏ chạy vì cuộc nội chiến kéo dài đã 4 năm nhưng không ai để ý rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới nội chiến là hạn hán kéo dài kỷ lục.

Hạn hán ở Syria bắt đầu từ mùa thu hoạch 2007-2008 và kéo dài cho tới 5 năm. Nông dân mất vật nuôi, cây cối khô héo và trẻ em thiếu ăn. Những người nông dân quyết định lên những thành phố gần đó để kiếm sống bất chấp điều kiện sống tồi tệ, thiếu sự giúp đỡ của cộng đồng và rất ít việc làm.

Trong đợt hạn hán đó, Liên Hợp Quốc ước tính tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Syria tăng lên tới 47%. Họ quyết định di cư bởi vì đó như là lối thoát duy nhất để thoát khỏi nội chiến và tình trạng khí hậu ngày càng khắc nghiệt ở Syria.

Nhiều khu vực ở Bắc Phi hay Trung Đông ngày càng nóng hơn và khô hạn hơn. Hạn hán vì thế trở nên khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn. Syria và Jordan được dự báo sẽ mất 30% đất đai màu mỡ vì sa mạc hóa nếu như không kịp triển khai những biện pháp ứng cứu kịp thời.

Khu vực Ả Rập là nơi thiếu lương thực nhất thế giới. Sự pha trộn của nghèo đói, bất ổn an ninh lương thực, thiếu nước trầm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trở thành môi trường thuận lợi để bạo lực phát triển. Dần dà, những khu vực này trở thành “mục tiêu mềm” cho các tổ chức cực đoan xâm nhập càng khiến cho cuộc sống người dân khốn khó hơn.

Giải pháp lâu dài rất rõ ràng là giúp cho người nông dân duy trì khả năng sản xuất, nhưng để thực hiện được giải pháp lâu dài đó các nhà lãnh đạo châu Âu cần sớm đầu tư khoa học vào phát triển nông nghiệp ở những đất nước này.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế nông nghiệp ở những vùng khô hạn (Icarda) đã phải rời bỏ trụ sở chính là Aleppo, Syria hồi tháng 7 năm 2012 vì nội chiến khi đang áp dụng một nghiên cứu khoa học giúp cho nông dân thích ứng được với sự biến đổi của khí hậu, sản xuất bền vững, ổn định nguồn lương thực. Icarda buộc phải chuyển trụ sở về Libăng và bỏ dỡ dự án ở Aleppo.

Chính nhờ áp dụng khoa học vào nông nghiệp mà sản lượng lúa mì ở Ai Cập tăng 25%, tiết kiệm nước được 30%. Trong 3 năm qua, chính phủ Ai Cập đã đầu tư 1,6 tỷ USD phát triển nông nghiệp ở 22 tỉnh. Giống lúa mì chịu nhiệt ở Sudan đã đẩy sản lượng tăng lên gấp đôi và chính phủ đang tìm cách giảm nhập khẩu loại lương thực này.

Hội nghị khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12 tới là "cơ hội vàng" để lãnh đạo các nước, nhất là các nước châu Âu đầu tư mạnh vào nông nghiệp ở Bắc Phi và Trung Đông nhằm giúp dân số nông thôn ở đây ổn định, sản xuất tốt trong điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi. Đó chính là cách tốt nhất để châu Âu khỏi phải đương đầu với tình trạng di dân hiện nay.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.