.
Nghĩ

Bác sĩ vô tâm?

.

Bộ phim “Lửa Thiện Nhân” không chỉ lay động người xem bởi nỗ lực bền bỉ của Thiện Nhân, mẹ Mai Anh mà còn ấn tượng bởi vị bác sĩ người ngoại quốc nhân hậu Roberto De Castro. Xem xong bộ phim, nhiều người lại ao ước bác sĩ xứ mình cũng cười hiền từ như thế, cũng gần gũi, thân thiện như thế…

Người mẹ già 5 lần 7 lượt đưa con trai nghiện rượu nặng của mình vào khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng do xuất huyết dạ dày. Sau nỗ lực cứu chữa của đội ngũ y bác sĩ, trở về, người con trai lại tìm đến ma men và thuốc lá. Vòng quay xuất viện – nhập viện cứ kéo dài mãi.

Nhìn tâm huyết, công sức chữa trị của mình bị lãng phí, bác sĩ bực tức dẫn đến to tiếng với bệnh nhân. Việc bác sĩ khẳng định mình chỉ chữa trị cho bệnh nhân muốn sống, khao khát được sống là giọt nước tràn ly. Người mẹ điện thoại vào đường dây nóng của bệnh viện và Sở Y tế để tố cáo vị bác sĩ “vô lương tâm”.

Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân sau khi được thăm khám thì đề nghị được đi siêu âm, chụp X-quang, cần thêm kháng sinh, thuốc giảm đau… dẫu cho bác sĩ khẳng định điều này không cần thiết. Cái lắc đầu của bác sĩ cũng được liệt vào danh sách “không làm hài lòng bệnh nhân”.

Những năm qua Bộ Y tế nhiều lần ra quy định nhằm điều chỉnh phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ.

Gần đây nhất là cuộc vận động cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, theo đó, bác sĩ phải “luôn cười tươi để làm hài lòng bệnh nhân”.

Vẻ như, bệnh nhân quá chú trọng vào thái độ, lời ăn, tiếng nói của bác sĩ – điều dễ nhận thấy bằng mắt, bằng tai; chứ không phải khả năng, tấm lòng của người khoác áo blouse – điều chỉ cảm nhận được bằng tim.

Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2015 thì trung bình, Việt Nam có khoảng 7 bác sĩ/10.000 bệnh nhân. Trong khi đó, theo nghiên cứu đăng trên USAToday năm 2012 thì ở Mỹ, tại các bang, phải có ít nhất 32 bác sĩ/10.000 bệnh nhân và số lượng bệnh nhân lý tưởng cho mỗi bác sĩ khám 1 ngày là 19 bệnh.

Con số 19 bệnh nhân/ngày có lẽ là điều không tưởng ở Việt Nam. Số lượng bệnh quá đông đôi khi biến bác sĩ thành người máy, họ thậm chí không có đủ thời gian để thăm khám kỹ càng, để lắng nghe bệnh nhân trình bày những âu lo của mình. Việc tư vấn, chuyện trò, cười nói tâm tình với bệnh nhân dần trở nên xa xỉ dẫu ai cũng biết rằng, đó là thiên chức của “từ mẫu”.

Người bệnh cho rằng, đã chọn nghề, bác sĩ phải chấp nhận khám bệnh đảm bảo năng suất, chất lượng lẫn sự hài lòng cho bệnh nhân, nếu không, họ xứng đáng mất việc và đứng vào hàng ngũ… vô đạo đức. Dường như, cả người bệnh cũng không còn thời gian dành cho sự cảm thông.

Trò chuyện cùng các bác sĩ, hầu hết đều hy vọng một ngày nào đó, lãnh đạo ngành y tế, người bệnh sẽ hiểu rằng, với nghề cứu người, có đức trước hết phải có tài. Ngoài tài năng trời phú, sau giờ làm việc, sau những đêm thức trắng trong ca trực, người khoác áo blouse phải tự học không ngừng.

Nền y học thế giới đang thay đổi từng ngày, để nâng chất lượng khám chữa bệnh, bác sĩ cần kiên trì học ngoại ngữ để lĩnh hội kiến thức y tế thế giới, để rèn hơn nữa “tài” của bản thân. Với quỹ thời gian có hạn, với áp lực nằm trong ranh giới sự sống, cái chết có lẽ sự nhiệt tình, vui vẻ là điều thứ yếu. Một câu chào, một nụ cười trong thời điểm gấp gáp sẽ là vô nghĩa nếu để xảy ra cái chết cho bệnh nhân.

Nhân từ, tình thương thể hiện ở trách nhiệm, chất lượng chuyên môn của bác sĩ chứ không chỉ ở nét mặt, “luôn cười tươi để làm hài lòng bệnh nhân”.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.