.

"Đất chôn thù, hoa nở Phan Hành Sơn"

.

Khi cả thành phố đang háo hức kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng thành phố, nhiều người lại nhớ đến bài thơ Phan Hành Sơn của nhà thơ Xuân Diệu viết năm 1969: “Phan Hành Sơn! Miền Nam là trở gió. Đất chôn thù, hoa nở Phan Hành Sơn...”.

13 năm đã trôi qua nhưng Thượng tá, Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Phan Hành Sơn, người con của phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn luôn được đồng đội và người thân của ông nhắc đến đầy ngưỡng mộ và yêu thương.

Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn (giữa) trong chuyến thăm Cu Ba. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)
Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn (giữa) trong chuyến thăm Cu Ba. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)

Từ Phan Hiệp đến Phan Hành Sơn

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu) nhớ lại người cán bộ đã gắn bó với ông suốt 3 năm trong quân ngũ (1965-1968): “Qua mỗi trận đánh, Hiệp lại có thêm chiến công mới.

Anh em gọi Hiệp là tiểu đội trưởng Phú Lộc, trung đội phó Kiểm Bền, Xuyên Thanh, trung đội trưởng Vĩnh Điện, Non Nước; đại đội phó Cồn Dầu, đại đội trưởng Non Nước”. Theo ông Trí, trận đánh của R20 xuân Mậu Thân 1968 là trận ông gần gũi với Phan Hiệp nhất.

Do hợp đồng của Mặt trận không khớp, ngay từ đầu, R20 đã gặp khó khăn khi đánh vào Đà Nẵng, đặc biệt là ở Trung Lương - Cồn Dầu. Địch phong tỏa ba bề sông nước không thể nào vượt qua. Giữa lúc cam go ấy, Phan Hiệp đã xung phong đi nắm địch, mở đường cho bộ đội thoát vòng vây.

Ở trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn biệt kích chiến lược đóng tại căn cứ Non Nước (8-1968) đang diễn tiến theo dự kiến thì có tình huống phát sinh. Đại đội 1 do bị địch phát hiện đã nổ súng trước 10 phút. Lúc này đại đội 3 của Phan Hiệp mới tiếp cận được hàng rào cuối cùng.

Thời khắc quyết định ấy, đại đội trưởng Phan Hiệp đã bật người lao mình nằm trên lớp hàng rào bùng nhùng, rồi ra lệnh cho anh em tạo đà nhảy lên, tiến nhanh về mục tiêu đã phân công, dùng hỏa lực tiêu diệt địch làm cho chúng không kịp đối phó.

Hành động dũng cảm của người đại đội trưởng đã giúp đơn vị nhanh chóng tiến sâu vào căn cứ địch. Khi thấy đơn vị đã vào gần hết, Phan Hiệp tung mình khỏi hàng rào, cùng anh em vận động thẳng vào sở chỉ huy địch, góp phần quan trọng để R20 diệt gọn tiểu đoàn biệt kích với khoảng 400 tên, phá hủy 38 máy bay trực thăng và gần 100 xe quân sự…

Từ những trận trước đó và đặc biệt là trận Non Nước, Tiểu đoàn trưởng R20 Nguyễn Văn Trí và đơn vị đã đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Phan Hiệp. Một nhà văn (có người cho rằng đó là Nguyễn Chí Trung) đi cùng đoàn của Tổng cục Chính trị vào Khu 5 đề nghị đổi tên chàng trai 21 tuổi này thành Phan Hành Sơn để gắn với chiến công ở núi Ngũ Hành quê hương. Cái tên mới này đã được ghi trong bằng tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng năm 1969 đến bây giờ.

Người đồng chí gần gũi, khiêm tốn

Cựu chiến binh (CCB) Phạm Tấn Bá chỉ có 3 tháng cùng học với anh hùng Phan Hành Sơn tại Đoàn văn hóa Trung đoàn 871, Hà Nội, năm 1973 nhưng không thể nào quên được người cán bộ rất mực bình dị. Ông Bá kể: “Lúc ở Hà Nội, Sơn đã đi dự liên hoan sinh viên quốc tế ở Cộng hòa Dân chủ Đức về. So với anh em lúc ấy, Sơn oách lắm. Áo khoác ngoại, xe đạp Điamăng sáng choang, đó là chưa kể tên tuổi lúc đó đã nổi như cồn, nhiều cô gái vây quanh, mê như điếu đổ.

Nhưng cậu ấy để ý ai, cũng chẳng bao giờ vỗ ngực xưng tên bao giờ, cứ chăm chỉ học tập, đặc biệt là rèn chữ. Xe đạp của mình đưa anh em đi thoải mái. Mấy năm sau gặp lại khi Sơn vừa trải qua những năm khốc liệt chữa vết thương ở chiến trường K. Không còn vẻ hào hoa năm nào. Nhìn anh đấu tranh với bệnh tật mà thương vô cùng”.

Cuối năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, Đại úy Phan Hành Sơn lúc này là Trung đoàn phó Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 đã cùng đơn vị đẩy bọn Pol Pot vào sâu trong nội địa của chúng 10km. Trong lần đi nghiên cứu chiến trường, đồng đội đi trước vướng dây mìn nhảy và Phan Hành Sơn đi sau gánh trọn quả mìn đó.

Hai chân anh dập nát. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 truyền đạt chỉ thị bằng mọi giá phải giữ đôi chân của người anh hùng. CCB Nguyễn Văn Hồng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 kể: “Chúng tôi được lệnh đốt lửa để làm hiệu cho máy bay trực thăng từ Sài Gòn qua biên giới Đức Cơ (Gia Lai) chở Sơn đưa về Đà Nẵng.

Trước đó, Bệnh xá Trung đoàn đã sơ cứu không để vết thương nhiễm trùng. Từ Bệnh viện 17, anh được đưa thẳng ra Bệnh viện 108 chữa trị rất dài ngày. Hai năm sau mới đi lại được”.

CCB Nguyễn Đình Trấc thì nhớ về những ngày sát cánh cùng đồng đội sau khi về hưu: “Khi tôi làm cán bộ Mặt trận ở phường An Hải Bắc, thì anh Phan Hành Sơn cũng tham gia công tác địa phương, làm đủ chức vụ từ tổ trưởng dân phố An Nhơn, phó ban bảo vệ an ninh đến phó bí thư chi bộ.

Tổ dân phố của anh lúc đó dẫn đầu thành phố về an ninh trật tự, các đối tượng xấu nghe tên Phan Hành Sơn đều khiếp sợ. “Chân chấm chân phẩy” vậy mà đi khắp nơi vận động xin tiền giúp những hộ khó khăn, neo đơn. Anh làm gương cho mọi người trong việc trả mặt bằng làm dự án mở đường…”.

Kỳ tích chiến thắng bản thân

Trong căn nhà ở 767 Ngô Quyền, bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ Anh hùng Phan Hành Sơn vẫn còn giữ rất nhiều kỷ vật về chồng mình. Những tấm hình ông dự Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ Quảng Đà (1968), Phó đoàn đại biểu thanh niên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam dự Festival quốc tế; dự Đại hội 3 sẵn sàng toàn miền Bắc trong hàng ghế chủ tịch đoàn cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1973). Quý giá nhất là tập ảnh về chuyến đi Cu Ba của ông hơn một tháng theo lời mời của Chủ tịch Phi-đen Cat-xtơ-rô năm 1982. Đi đến đâu, ông cũng được bạn đón tiếp trân trọng.

Khi hỏi những giai thoại anh hùng Phan Hành Sơn thời trèo tường vào kho thuốc Tỉnh đội lấy mooc-phin, bà không ngần ngại kể về những ngày tháng không lặng sóng đó. Đôi chân của ông được đồng đội cứu chữa không phải cắt bỏ nhưng vốn đã dập nát nên thường xuyên tái phát, hành hạ, khiến ông suốt hơn 20 năm chịu đau đớn.

Dùng thuốc an thần quá nhiều trong 17 lần mổ, ông nghiện mooc-phin trầm trọng. Khi không có thì như người loạn trí. Nhưng rồi ông đã nhận ra “quá khứ chỉ được trân trọng khi hiện tại làm đẹp cho đời”, tự bó bột mình giam trong căn phòng cách ly ở Bệnh viện 17, rồi lên vùng núi Phú Túc (Hòa Vang) một mình, không tiếp xúc với ai, hùng hục khai hoang, trồng trọt vừa làm kinh tế cho gia đình vừa đấu tranh với bản thân.

Và ông đã chiến thắng. Bà rơm rớm nước mắt kể về những ngày cuối đời của người anh hùng: “Năm 2003, làm xong căn nhà mới này, ông ấy mừng lắm, đi ra đi vô hoài. Ba đứa con cũng đã trưởng thành, yên tâm rồi. Nhưng rồi chỉ ở được vài tháng thì vết thương tái phát, biến chứng trầm trọng, đặc biệt là bụng trướng lên. Bác sĩ đã bó tay, nhưng ông ấy nài nỉ: “Hãy mổ cho tôi đi, hoặc cho tôi mượn con dao rạch thử có gì trong đó mà đau quá”. Trước yêu cầu của ông, các bác sĩ đã mổ với hy vọng mong manh. Và ông đã không bao giờ tỉnh lại sau cơn hôn mê…

Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn không còn nữa, nhưng trong tâm trí người dân Đà Nẵng, ông vẫn sống mãi. Tên ông đã đặt cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn. Khí phách anh hùng của ông đã có sức lan tỏa cả một thế hệ đánh Mỹ như nhà thơ Tố Hữu viết trong “Xuân 69”: “Ta tiến công với sức mạnh thánh thần. Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ! Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái tên người: dũng sĩ. Vang tự hào giữa thế kỷ hai mươi. Thước vàng đo mọi giá trị trên đời”.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.