.
Nghĩ

Thương nông sản Việt

.

Vậy là mùa này, hạt đậu phộng quê mình lại tiếp tục “lép”. Ai ngờ hạt đậu quê mùa và được trồng rất nhiều tại các vùng nông thôn của Việt Nam, giờ đây lại toàn bị nghe chuyện… nhập khẩu với hàng chục triệu USD mỗi năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập gần 12.000 tấn đậu phộng! Trước đó, mỗi năm Việt Nam chi “bèo” nhất cũng hơn 20 triệu USD để nhập loại hạt này. Con số thống kê của Tổng cục Hải quan khiến không ít người bật ngửa.

Nguồn nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Đơn giản vì giá quá rẻ, rẻ đến mức người nông dân vốn sống chết với cây đậu phộng cũng chẳng thể hiểu tại sao lại rẻ thế. Trong khi đến mỗi mùa đậu phộng của Việt Nam, thương lái Trung Quốc “tích cực” thu gom với giá cao, nhưng lúc bán ngược lại Việt Nam, phía Trung Quốc xuất với giá rất thấp (khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg). Lạ lùng thì mặc lạ lùng, đậu phộng Trung Quốc vẫn cứ ào ạt đổ sang Việt Nam – một quốc gia có khả năng trồng được loại đậu phộng với chất lượng tuyệt hảo!

Chuyện nông sản “thua trên sân nhà” thì chẳng riêng hạt đậu phộng. Nhiều hạt, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam đều đối mặt với thực tế cả nước phải tốn rất nhiều tiền cho việc nhập khẩu, trong khi Việt Nam được mệnh danh là đất nước nông nghiệp trù phú, đa phần người dân làm nông giỏi hơn bất cứ làm ngành, nghề gì.

Có nhiều lý do khiến không chỉ hạt đậu phộng bị “lép”, là bởi dù mình làm nông, làm cật lực nhưng sản lượng không bảo đảm, giá thành cao so với nhiều mặt hàng cùng loại ở các quốc gia khác, hình thức chưa bắt mắt, mẫu mã và thương hiệu còn bị thả nổi. Ngay như chuyện cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) vụ vừa qua, cam trúng và đẹp như mơ hóa ra lại là cái “tội”. Vì cam đẹp quá nên ra chợ nhiều người không dám mua do sợ đó là cam Trung Quốc! Thế là, cam phải “nhờ” người có uy tín lên tiếng giải oan. Nhưng minh oan cũng chỉ được vài chỗ, những nơi khác người mua vẫn nghi ngờ vì chẳng có gì chắc chắn nhận diện cam Hàm Yên “nội địa 100%”. Đóng cái nhãn trên mỗi trái cam là xong? Nghe đơn giản vậy đó, nhưng rồi cũng vì nhiều lý do có tên và không tên mà cam Hàm Yên có nhãn và không nhãn cứ “dung dẻ” dắt tay nhau ra thị trường khiến người tiêu dùng càng rối…

Phải thừa nhận rằng, ăn nhiều hàng ngoại lại càng nhận ra nông sản quê mình sao mà ngon đến mê đắm. Nhấm nháp múi mít Hòa Vang thôi, có hơi nhỏ, hơi “điếc điếc” mà thơm ngát, bùi bùi, ngọt lịm tận thanh quản. Cần chi cho xa mít “Thái”, mít “Tàu”, đẹp có đẹp thiệt mà ăn rồi sẽ tiếc. Nói vậy mà càng ngày lại càng thấy nhiều người muốn lựa chọn nông sản ngoại trong những dịp cần phô trương đẳng cấp. Thăm ốm, thăm nhau mà tặng ký táo Ninh Thuận thì không thể “sang” bằng táo Mỹ.

Dù táo Ninh Thuận là loại táo nổi tiếng nhất Việt Nam, được trồng theo tiêu chuẩn sạch. Táo rất giòn, ngọt thanh, mỏng vỏ và có mức giá mà người nghèo cũng có thể mua được. Làm quà “thể hiện” với ai đó thì chắc chắn phải là cherry 500.000 - 800.000 đồng/kg, mận Úc giá thấp nhất cũng trên 200.000 đồng/kg, chứ chẳng ai đi tặng mận Mộc Châu có giá bằng 1/10 mận Úc, dù mận xứ Tây Bắc có hương vị đậm đà hơn nhiều. Nhờ thế, các siêu thị hàng nông sản ngoại nhập mỗi ngày càng ăn nên làm ra, dù các loại “đồ nhà quê” trong đó đụng vào dễ bị “cháy túi”.

Một giảng viên tại Đà Nẵng từng có thời gian tu nghiệp ở Úc kể rằng, người dân nước này rất thích ăn nho Úc. Những tháng trái mùa, thị trường phải nhập nho từ các nước khác về, dĩ nhiên cũng đều là loại “sang chảnh”, nhưng rất nhiều người dân Úc phản ứng bằng cách không ăn nho ngoại. Họ đặt nghi vấn: Tại sao nho từ nơi khác nhập về, qua biết bao khâu và thuế lại có giá rẻ hơn nho trong nước sản xuất? Đây là sự cố tình phá giá nông sản Úc hay vì nho ngoại quá kém chất lượng nên mới rẻ hơn như vậy? Và thay vì thấy rẻ thì mua, nhất là vào lúc không phải mùa nho Úc, người dân cùng bắt tay nhau bênh vực và bảo vệ nông sản đất nước mình.

Cứ thấy rẻ thì mua, bất chấp điều gì xảy ra; ngược lại, cứ thấy đắt đỏ mới “đẳng cấp”, bất chấp chất lượng thế nào, thì riêng gì hạt đậu phộng quê mình bị “lép”.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.