.

Mùa trâm

.

Từ nước Pháp xa xôi, em gái “năn nỉ” tôi dành hẳn một bài về những ngày tuổi nhỏ ham chơi, chỉ có chơi thôi, đừng nói chuyện gì khác, cho em vơi nỗi nhớ nhà quặn cuộn trong lòng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Gì chứ chơi thì dễ quá, tuổi nhỏ của chúng tôi thủa ấy, giờ nhìn lại chỉ toàn thấy chơi, chơi bền bỉ suốt bốn mùa.

Khi em gái dứt lời rồi gửi kèm một sticker vui nhộn, trước mắt tôi là cây trâm thấp tè nhưng trĩu trái vườn bác Hai. Trâm chín tím đen tíu tít từng chùm. Tôi nuốt nước bọt, đưa tay lặt một chùm trâm cho vào chiếc túi nylon chuẩn bị sẵn. Không, ai chứ bà chị này thì chùm đầu tiên phải cho ngay vào miệng, em gái tôi nhắc rồi gửi một sticker khác, trêu tôi. Phải rồi, vị trâm chín chua chua, ngọt ngọt thanh thanh, vị chan chát thơm thơm quyện vào nhau thật quyến rũ, ai mà cưỡng được thứ hương vị chẳng thể lẫn vào đâu, chẳng biết lấy gì so sánh ấy.

Trâm tụ hình vào độ giữa hè, từng chùm từng chùm xanh xanh lẫn chìm dưới lá. Lặng im xanh, chẳng phiền đến ai, bỗng một sớm mai gió nhẹ, cô bé nhỏ reo lên bằng mắt: “Ôi, trái đã chuyển hồng”, để chỉ cần ít ngày sau đã có thể nhặt ra trong chùm những trái trâm đen mọng, để nhìn nhau cười khần khật với những hàm răng nhuộm tím, bọn trẻ con chúng tôi còn lè lưỡi hù nhau. Trâm là thứ trái chẳng thể nào ăn mà giấu được, vì dù có súc miệng bằng cả ảng nước, răng vẫn không thể nào trắng ra ngay được.

Em gái nhắc chuyện mấy anh em mang theo cả mủng vào rẫy ông Khế hái trâm, đi từ trưa đứng bóng. Quê tôi là xứ chè, người ta trồng trâm để lấy bóng mát cho chè. Chủ rẫy chỉ thu hoạch chè, trâm dành cho bọn trẻ nhỏ chúng tôi và một vài người nghèo hái về mang chợ bán. Anh Hai tôi tuổi con khỉ, anh trèo cây nhẹ cứ như đi, thoắt cái đã lên đến ngọn trâm cao chót vót. Anh thả xuống từng chùm trâm, quả nào quả nấy múp máp như những chú ong no mật, nhìn thật là đã mắt, khi đưa vào miệng thì trời ơi, ngon không thứ gì sánh nổi. Em gái bảo, mùa thu năm sau, nhất định em sẽ về đi hái trâm cho đã đời, em sẽ tìm bằng được chùm trâm ngọt lạ lùng của ngày xưa.

Đi hái trâm rẫy ông Khế chẳng cần mang theo nước, chỉ cần một cái bình đông, mà không có cũng chẳng sao. “Giếng ông Khế” ngay cạnh, đứa nào khát nước chỉ cần nghiêng bình đông lại hoặc khum hai bàn tay rồi tha hồ uống, cái giếng lạ kỳ, chỉ như một ục nước nhỏ mà khi mọi cái giếng trong làng đã cạn khô, nó vẫn ăm ắp nước, trong veo.

Đường ra sông có rẫy chè bà Mỹ, chúng tôi thường ghé hái mỗi chiều băng đồi đi tắm sông, có khi tắm về mới ghé. Hái trâm vào buổi chiều muộn cũng có cái thú riêng của nó, màu trái lẫn với màu chiều, chẳng phân biệt nổi giữa trâm hồng và trâm chín. Vừa đi cho nhanh về kẻo mẹ mắng, vừa lùa trâm vào miệng, rồi lừa cho được trái chưa chín ra, kể cũng lắm công phu.

Em gái kể em thường theo hai mẹ con đứa bạn thân vào tận rẫy bà Lời, vào Hố Gạo để hái, vì họ hái bán. Có rất nhiều kỷ niệm của em, tôi không góp mặt. Giờ chị em ngồi kể nhau nghe, gửi niềm thương tuổi nhỏ bằng những riêng chung bùi ngùi, rồi cùng gặp nhau ở tấm hình ai đó tải lên facebook: Hình một chùm trâm trên cái phông nền của một mùa thu vừa chạm ngõ.

Tôi và em gái, đều đã xa tuổi nhỏ. Những mùa trâm vẫn trở về như lời hẹn sắt son, nhưng chúng tôi đã phố xá ồn ào. Chỉ đôi khi, một làn gió nhẹ, hay một thứ sắc màu nào đó lướt nhanh, một mùi hương thoảng qua kéo ngược chúng tôi về với khung cảnh êm đềm của làng quê cũ, với tuổi nhỏ lấm lem mà tươi đẹp rạng ngời. Tôi, như được về làm cô bé nhỏ, đi băng vườn chè ông Sáu hàng xóm, tót lên cây trâm sát cạnh hố bom xưa mà vặt trâm cho vào túi áo, mơ màng nhìn chiều vàng rơi thật chậm xuống quê nhà.

Em gái bảo, chị đừng kể nữa, kẻo em không nhịn được lại bỏ học mà về. Tôi đùa, thôi, cứ ngoan làm người lớn, chị sẽ nhắn giùm cho, rằng này mùa thu, nhớ ươm nắng thật đượm vào chùm trâm chín, em gái tôi gửi nắng một trời thương…

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.