.
Phương hay Thuốc quý

Thanh long

.

Mấy năm gần đây, trong mâm ngũ quả chưng trên bàn thờ mỗi dịp giỗ, Tết thường không thể thiếu quả Thanh long. Đây là loài quả đẹp, vị ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng làm món tráng miệng sau bữa ăn. Ngoài ra, hoa và thân cây Thanh long còn là những vị thuốc quý.

Thanh long nở hoa về đêm giống Quỳnh hoa. Ảnh: P.C.T
Thanh long nở hoa về đêm giống Quỳnh hoa. Ảnh: P.C.T

Thanh long, còn gọi là cây Lòng chảo, Tường liên, Lượng thiên xích (量天尺), tên khoa học là Hylocereus undatus (Haw.) Britt. et Rose (Cereus undatus Haw.), thuộc họ Xương rồng - Cactaceae.
Thanh long có thân leo trườn dài tới 10m, bám vào giá thể (cây to, trụ, tường) nhờ những rễ phụ.

Thân màu lục, có 3 cạnh dẹp khía tai bèo, thường hóa sừng ở các mép, gai không nhiều lắm, rất ngắn. Hoa nở về đêm như Quỳnh hoa, rất đẹp, có đường kính tới 30cm, màu trắng hay vàng dợt. Lá đài và cánh hoa nhiều, dính nhau thành ống; nhị nhiều; bầu dưới.

Quả màu đỏ, mọng nước, có phiến hoa còn lại, đường kính khoảng 12cm, có ruột màu trắng hoặc đỏ, có nhiều hạt nhỏ, màu đen.

Thanh long có nguồn gốc từ Colombia (Trung Mỹ), nay được trồng ở nhiều nơi ở nước ta, nhiều nhất ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Tại Đà Nẵng, một số địa phương như Hòa Phú, Hòa Sơn,… đã có nhiều mô hình vườn trại trồng thanh long bước đầu có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc thu quả chín để ăn hoặc bán, để làm thuốc, người ta có thể thu hái hoa vào mùa hè - thu, dùng tươi hay phơi khô. Thân thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

Phân tích thành phần hóa học cho thấy cây chứa n-hentriacontane, β-sitosterol và một vài sterol khác.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g phần ăn được của quả thanh long có: Chất đạm 0,159 - 0,229g; Chất béo 0,21 - 0,61g; Chất xơ 0,7 - 0,9g; Bột đường 7 - 11,5g; Năng lượng 30 - 51 Cal; Calci
6,3 - 8,8mg; Sắt 0,55 - 0,65mg; Kali 200 - 215mg; Phosphor 30,2 - 36,1mg; Beta-caroten (A) 0,005 - 0,012; Thiamin (B1) 0,028 – 0,043mg; Niacin (PP) 0,297 – 0,430mg; Ascorbic acid (C) 8,0 – 9,0mg. Thành phần dinh dưỡng này chứng tỏ Thanh long là trái nghèo năng lượng, nhưng về sinh tố, khoáng chất vẫn bình thường như các trái cây khác.

Theo Đông y, hoa và quả Thanh long có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm; thân có tác dụng thư cân hoạt lạc, giải độc.

Quả Thanh long được dùng để giải khát, giải nhiệt và giúp nhuận trường, trị táo bón, có ích cho người bị suy thận, người cao tuổi và người đang dưỡng bệnh, ăn kiêng, giảm béo. Hoa được dùng trị ho, viêm phế quản, viêm hạch bạch huyết, lao phổi, say rượu, tiểu đường (liều dùng 15-30g). Thân dùng ngoài trị bỏng lửa, bỏng nước, gãy xương, viêm tuyến mang tai, đinh nhọt (dùng một lượng thân vừa đủ loại bỏ vỏ và gai, giã nát, lấy nước bôi hay dùng bã đắp).

Đơn thuốc:

- Chữa viêm phế quản, lao phổi và lao hạch: Hoa Thanh long 10g khô hoặc 30g tươi, nấu canh với thịt heo nạc ăn.

- Phòng chống bệnh scorbut (bệnh do thiếu hụt vitamin C kéo dài) và một số chứng chảy máu thông thường: Ăn mỗi ngày 600 – 700g quả thanh long (khoảng 2 quả to).

- Giảm béo, giảm cholesterol và mỡ máu, phòng trị tiểu đường, cao huyết áp: Ăn 200-400g quả Thanh long ngay trước bữa ăn sẽ làm đầy bụng, khiến không ăn nhiều, nhờ đó giảm cân và phòng trị các bệnh trên.

- Chữa tiểu đường: Hái 2 hoa thanh long sắp nở (vào lúc 6 giờ chiều), xắt nhỏ, giã nát, chế nước sôi vào hãm 30 phút để uống mỗi ngày. Có thể chế nước nhì uống vào lúc 9 giờ tối (kinh nghiệm của DS.Phan Đức Bình).

- Chữa bỏng nhẹ: Thân cây thanh long gọt bỏ vỏ và gai, rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát lấy nước bôi hay dùng bã để đắp chỗ bỏng sẽ làm hết rát.

- Chữa mụn nhọt, gãy xương kín: Thân cây thanh long (bỏ vỏ và gai) giã nát đắp vào vị trí tổn thương.

- Dưỡng da, trị mụn: Dùng nạc quả thanh long xay nhuyễn làm mặt nạ đắp lên da mặt, sau 15 đến 20 phút, dùng nước ấm để rửa sạch mặt, lau khô bằng khăn mềm, sau đó dùng chất dưỡng ẩm tùy theo loại da.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.