.

Độc đáo tranh vẽ của Bob Dylan

.

Theo lời tuyên bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn chương năm 2016 vừa qua được trao cho Bob Dylan vì đã tạo nên những biểu đạt đầy chất thơ trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của nước Mỹ. Đây là một chiến thắng thực sự gây bất ngờ cho giới chuyên môn cũng như người yêu văn chương trên toàn thế giới, bởi Bob Dylan thường được biết đến nhiều với tư cách ca sĩ, nhạc sĩ. Tuy nhiên, điều thú vị hơn nữa, bên cạnh lĩnh vực văn chương, thơ ca, âm nhạc, Bob Dylan còn là một họa sĩ với các cuộc triển lãm mỹ thuật suốt nhiều năm qua gây không ít tranh cãi.

 Chân dung Bob Dylan.
Chân dung Bob Dylan.

Bob Dylan tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh năm 1941, người Mỹ gốc Do thái.  Ông đến với hội họa từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, trước cả khi album đầu tay của ông được phát hành năm 1962. Từ năm 1994 đến nay, Dylan đã cho phát hành 6 cuốn sách về những tác phẩm hội họa của mình, trong số đó đã  có nhiều tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm lớn nhỏ. Ông nói: “Có những điều trong cuộc sống mà thơ hay nhạc không thể nói hết được. Khi đó sự lên tiếng của hội họa lại rất phù hợp”.

Khởi đầu, những tác phẩm nghệ thuật do Bob Dylan sáng tác trong thời gian lưu diễn từ năm 1989 đến năm 1992 đã được giới thiệu tại Chemnitz, Đức vào năm 2007, rồi vào đầu năm 2010, một số chuyên gia của phòng trưng bày quốc gia Đan Mạch tình cờ được xem triển lãm nhỏ các tác phẩm hội họa này của Bob Dylan, họ thấy rất thú vị và đề nghị với người đại diện của ông thực hiện một cuộc triển lãm tại Copenhagen.

Không lâu sau, Bob đã hoàn thành 50 bức tranh màu nước về đề tài: Cuộc sống, con người và phong cảnh Brazil. 40 bức trong số các tác phẩm này được chính thức trưng bày cho tới hết tháng 1-2011. Đa số giới phê bình và công chúng đánh giá cao những tác phẩm hội họa của Bob Dylan. Nhiều nhà phê bình nhận định, ông chịu ảnh hưởng đậm nét phong cách của danh họa Matisse trong sử dụng màu sắc và bố cục tác phẩm.

Một cuộc triển lãm nghệ thuật khác  mang tên Series Asia của Bob Dylan, diễn ra tại phòng tranh Gagosian ở  New York, cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ. Những tác phẩm như Mae Ling, Cockfight, The Bridge, Hunan Province phản ánh cái nhìn chân thực và sống động về con người, đường phố, công trình kiến trúc và cảnh quan tại những quốc gia châu Á  mà Bob cho biết đó là sự trải lòng các cảm xúc trong chuyến lưu diễn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản…

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhiều người hồ nghi về sự giống nhau trong các bức tranh của Bob Dylan với các bức hình của một số nhà nhiếp ảnh khác. Báo The New York Times (ra ngày 29-9-2011) từng có bài viết khá chi tiết về nghi án sao chép tranh của Bob Dylan.

Cụ thể, dẫn chứng bức tranh mang tên “Trade” (Giao thương) với cuộc hội thoại của 2 gã đàn ông, một người cầm đồng tiền, giống bức ảnh đen trắng mà nhiếp ảnh gia nổi tiếng Henri Cartier-Bresson chụp vào năm 1948. Hoặc bức tranh mang tên “Opium” (Say sưa), mô tả một phụ nữ có mái tóc đen với bộ đồ đỏ nằm hút thuốc phiện, có hình ảnh tương tự với bức ảnh “Woman Smoking Opium” (Phụ nữ hút thuốc) của Leon Busy…

Trả lời sự việc này, người quản lý phòng triển lãm Gaposian nói rằng: “Nếu chỉ cách quan sát giống nhau mà cho là sao chép thì chưa thuyết phục. Hơn thế, bố cục trong các bức tranh của Dylan dựa vào nhiều nguồn khác nhau”.

Họa sĩ người Nga, Grasiv Cergei cho rằng: “Tôi nghĩ, phòng triển lãm Gaposian có đủ lý luận để tiếp tục cho triển lãm, bởi đơn giản, họ có những chuyên gia đủ chuyên môn để thẩm định”. Còn họa sĩ White Getting gốc Hà Lan, sinh sống tại Đức khẳng định: “Trong nghệ thuật, có nhiều điều lặp lại, đều bắt đầu từ cách quan sát. Trong hội họa, âm nhạc, văn học, mọi người đều bị ảnh hưởng và có xu hướng sáng tạo giống với những người đi trước họ”.

 Năm 2013, phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London cũng đã diễn ra triển lãm với tên gọi Bob Dylan: giá trị hình thức trưng bày 12 bức chân dung vẽ bằng phấn màu của Dylan. Theo thông cáo báo chí, những nhân vật được miêu tả trong các bức chân dung của Dylan “không phải là đối tượng của cuộc sống công chúng Anh, trong quá khứ hay hiện tại, cũng không do một họa sĩ chân dung vẽ”. Thay vào đó, họ “đại diện cho các nhân vật, với một sự pha trộn các tính cách Dylan đã thu thập từ cuộc sống, ký ức và trí tưởng tượng của mình và chế tác thành người, một số có thực và một số hư cấu”.

Đáng chú ý, ở album Chân dung tự họa khác (Another Self Portrait) của Dylan do hãng thu âm Columbia phát hành,  bao gồm các bản phác thảo và các bài hát chưa công bố kể từ bản thu âm Chân dung tự họa (Self Portrait) nổi tiếng từ năm 1970 của ông.

Thế nhưng, dư luận Mỹ không mấy cảm tình với tranh của Dylan như với các bài ca phản chiến và cổ súy nhân quyền từ những năm 1960 của ông. Độc giả Donald Waits (New Orleans) bình luận trên The New York Times: “Kể từ khi hội họa không còn là thế giới của tài năng hoặc năng khiếu mỹ thuật, mà là của những người nổi tiếng và giàu có, ai dám nói rằng Dylan không chiếm một chỗ trong đó? 

Tất nhiên, có vài họa sĩ có tài thực sự như Lucien Freud hoặc Hockney, nhưng không nhiều. Sự tôn vinh thái quá của phòng trưng bày Chân dung Quốc gia đặt Dylan trong một ánh đèn sân khấu vụng về. Cờ giong trống giục chẳng thể nào thay đổi thế giới. Chỉ là nghệ thuật tự quảng cáo”. Một độc giả phẫn nộ: “Thật là một sự xúc phạm với Lucien Freud và David Hockney. Ít nhất, chúng ta đã biết rằng Bob Dylan không thể làm mọi thứ, như sơn hoặc vẽ. Triển lãm này khác gì sản phẩm dán nhãn một người nổi tiếng?”.

Gần đây nhất, là cuộc triển lãm tại trung tâm  Halcyon Gallery - thủ đô nước Anh, giới thiệu gồm bộ sưu tập  200 bức tranh sơn dầu, acrylic và màu nước độc đáo của Bob Dylan. Một số nguồn tin cho rằng, trước khi đến Stockholm nhận giải Nobel, việc mở triển lãm tại Anh trong lần này là thời điểm thích hợp nhất đối với Dylan.

Ông Paul Green, Chủ tịch trung tâm triển lãm Halcyon Gallery trả lời phỏng vấn AFP nói: “Đối với chúng tôi việc hợp tác cùng Dylan tổ chức triển lãm là một vinh dự vô cùng lớn. Còn đối với ông ấy, tôi xin chúc mừng khi ông ấy nhận được giải thưởng danh giá gần như cùng thời điểm”.

Cũng theo Paul Green, Dylan bắt đầu thể hiện niềm đam mê hội họa của mình từ khi ông chuyển đến New York, dưới sự dẫn dắt của người bạn gái – họa sĩ Suze Rotolo. Hội họa còn chắp cánh cho sự nghiệp âm nhạc của Dylan, những bức họa về quê hương, con người được ông đưa vào những bài hát của mình.

Triển lãm mang tên “Con đường gập ghềnh” (The Beaten Path), là dòng hồi tưởng về những chuyến du lịch xuyên qua tất cả những ngõ ngách nước Mỹ của huyền thoại âm nhạc. Từ những siêu đô thị đến những vùng sa mạc mênh mông. Điểm chung của những tác phẩm được trưng bày lần này, đó là làm thế nào để mọi người hiểu được đất nước và con người Mỹ thật sự, làm thế nào để người xem thấy được sự đan xen, đối lập của những vùng đất.

Bob Dylan từng đến Việt Nam trình diễn vào tháng 4-2011. Mặc dù ông không có bài hát nào trực tiếp nói về Việt Nam, nhưng ông lại có duyên nợ với Việt Nam theo một cách khác. Trong số rất nhiều những bài hát nổi tiếng của ông, nhiều người tin rằng, bài Để gió cuốn đi (Blowin’ in the Wind) sáng tác năm 1962, khi ông mới có 21 tuổi, đã ít nhiều gợi cảm hứng cho Trịnh Công Sơn trong một bài ca tựa đề tương tự.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.