.

Kỳ vọng năm Gà

.

Bước sang năm mới, người người đều mong cầu vạn sự hanh thông, triệu điều thuận lợi. Với năm Đinh Dậu, người ta chúc nhau may mắn, phát tài như “Gà đẻ trứng vàng”.

Hai nghệ nhân Mai Thanh Thiện (phải) và Hứa Văn Mai bên chú Gà gáy chào năm mới. Ảnh: V.T.L
Hai nghệ nhân Mai Thanh Thiện (phải) và Hứa Văn Mai bên chú Gà gáy chào năm mới. Ảnh: V.T.L

1. Lệ thường theo quan niệm tâm linh, mỗi đầu năm mới âm lịch đều có một “ngày tốt” nhất định, được mọi người chọn để khai trương cho công việc của mình. Tuy nhiên, lệ này không áp dụng cho Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, bởi theo tổ nghiệp xưa truyền lại, hằng năm cứ đến giờ Mẹo (5-7 giờ sáng) ngày mồng 6 tháng Giêng là cả làng tề tựu về đền thờ Thạch nghệ Tổ sư dưới chân ngọn Mộc Sơn để làm lễ “khai thạch” đầu năm.

Năm nay, sau khi mọi người hoàn tất lễ dâng hương bái tổ, cầu xin một năm mới ăn nên làm ra, ông chánh bái Hai Ngộ người tộc Nguyễn, xúng xính trong chiếc áo thụng chữ thọ, thay mặt cả làng tiến hành nghi thức đi những đường chạm khắc đầu tiên lên đá trong năm mới bằng các mũi xó, mũi bạt.

Anh Mai Thanh Thiện, một nghệ nhân của làng nghề cho biết, mũi xó nhọn, dùng để tách đá hoặc đục phác thảo; mũi bạt bằng, để chặt đường thẳng hay cạnh góc vuông. Câu ca xưa còn nhắc: Lấy chồng thợ đá ăn chi/ Mang ba mũi xó, xách đi, xách về/ Em ơi, đừng nói mà quê/ Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay/ Ra đi chân dép, chân giày/ Làng nào xã nấy vòng tay: Thưa thầy.

Nói chung, việc dùng các dụng cụ bằng sắt thép tác động lên đá đều được gọi một từ chính xác là “đục”, tuy nhiên, đầu năm đầu tháng ai cũng kiêng cữ, e lục đục cả năm, nên cứ tên dụng cụ mà gọi là hoặc bạt. Người miền Trung phát âm không phân biệt t và c ở cuối từ, nên mũi bạt với từ bạt có nghĩa là “san cho bằng phẳng” đã được mọi người gọi thành mũi bạc cho... giàu có quanh năm!

Giàu có là kỳ vọng của người làng đá. Năm mới, nhiều nghệ nhân làm tượng tròn, phù điêu mang hình Gà để mong tài lộc “đẻ như gà”.

Một trong những quyển sách được phát hành ngay đầu năm con Gà của NXB Đà Nẵng.
Một trong những quyển sách được phát hành ngay đầu năm con Gà của NXB Đà Nẵng.

2. Chào năm mới Đinh Dậu, Thiện khắc tượng một con Gà bằng đá chỉ hồng lấy về từ Nghệ An. Gà thì làm không khó, nhưng cái khó là thể hiện được thần thái của cái mỏ gà cất tiếng gáy chào năm mới. Khi hoàn thành tác phẩm, anh gọi đồng nghiệp Hứa Văn Mai đến “nghe” tiếng gáy vô thanh của linh vật năm Dậu.

Cuối năm rồi, Thiện may mắn mua được hai vỏ sò tượng có kích cỡ thuộc loại quý hiếm: 90 x 60 x 30cm, có xuất xứ đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Anh nghe kể, Hà Nội cũng có người mua được một vỏ sò “khủng” này do một anh bộ đội hải quân đóng ngoài Trường Sa mang về. Sang năm mới con Gà, anh bắt tay vào chế tác hai vỏ sò thành tượng Phật Di Lặc và tượng Quan Âm Liên hoa để trưng bày cho Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm tới.

Mai thì chuẩn bị sáng tác các tác phẩm đá để tham gia cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 do UBND thành phố Đà Nẵng phát động. Khi được hỏi về đề tài, anh bảo, vì thi cử nên xin được giữ bí mật!

Mai Thanh Thiện và Hứa Văn Mai là 2 trong 5 nghệ nhân đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Đà Nẵng” ngành thủ công mỹ nghệ thống nhất đề nghị UBND thành phố công nhận danh hiệu Nghệ nhân Đà Nẵng ngành thủ công mỹ nghệ lần thứ nhất.

3. Doanh nghiệp tư nhân Xuân Dự ở số 337 Tiểu La, Đà Nẵng, mấy năm trước chuyên doanh hàng trang trí nội thất - vật liệu xây dựng; 5 năm nay mở thêm dịch vụ vận tải du lịch. Cuối năm 2016 ngồi nhẩm lại, giám đốc doanh nghiệp Trần Văn Tương cho biết, so với năm 2015, doanh thu hàng trang trí nội thất giảm hơn 50%.

Sự giảm sút này được ông lý giải: phần do thời tiết không thuận lợi nên công trình xây dựng ít, phần do các cơ sở kinh doanh mặt hàng này bung ra khá nhiều. Bù lại, dịch vụ vận tải du lịch lại tăng trên 20%, hệ quả tích cực từ bước phát triển du lịch của Đà Nẵng.

Một nhà cung cấp gốm sứ tặng ông quà năm mới là một đĩa sứ có hình gia đình gà như một lời chúc sum vầy, no đủ. Tết này, ông hoàn thành “bộ sưu tập” đĩa sứ có đủ hình 12 con giáp. Nhìn lại các linh vật đại diện cho mỗi năm, ông thích nhất con Ngựa và con Cọp, xếp thứ ba là con Gà.

Ngựa oai phong lẫm liệt, mạnh mẽ. Cọp xứng danh là chúa sơn lâm. Gà dung dị, có vẻ quê mùa nhưng là hình ảnh rất gần gũi với đời sống người dân Việt vốn gắn bó với vườn tược, ruộng đồng.

Nhiều tín hiệu cho thấy du lịch Đà Nẵng năm Gà 2017 sẽ tiếp tục “đẻ trứng vàng”, khi mà năm này có APEC, có lễ hội pháo hoa kéo dài cả tháng trời. Thời tiết năm nay hy vọng cũng không “đỏng đảnh” như năm rồi. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh dịch vụ du lịch như ông.

26 tháng Chạp tất niên, đầu năm khai trương. Theo thủ tục truyền thống, ông sắm bông hoa trà quả, thêm vài món mặn cúng lễ đầu năm. Xong, cùng nhân viên uống ly rượu mừng chúc nhau thắng lợi, lì xì cho anh em. Ông không quên cho xe chạy xuất hành lấy giờ đẹp...

4. Mỗi người tùy ngành nghề của mình mà có cách riêng “mở hàng” đầu năm mới. Không chỉ nhà văn khai bút mà ngay cả những người làm công tác biên tập ở các nhà xuất bản cũng có nhiều công việc để... khai. Bà Huỳnh Yên Trầm My, Trưởng ban Biên tập NXB Đà Nẵng cho biết, bước vào năm con Gà, đơn vị sẽ phát hành một số sách vừa in xong.

“Nhớ cha tôi Phan Khôi” là những trang trải lòng của bà Phan Thị Mỹ Khanh - con gái út của tác giả “Tình già”, viết về cha mình với nhiều chi tiết cảm động, chân thực. “Biển, Đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc” của PGS.TS Ngô Văn Minh, tập sách thứ 4 do NXB Đà Nẵng ấn hành khẳng định Hoàng Sa là một phần máu thịt của giang sơn Việt Nam.

Ngoài ra, còn có một số sách khác như: “Tuổi trẻ bất khuất” giới thiệu về Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, một nhà lao giam cầm trẻ em vị thành niên là tù chính trị duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới; “Đi nhiều thành đường” của Cao Duy Thảo; “Nơi những phận đời hao khuyết” của Bùi Tự Lực; “Kéo co với mùa xuân” của Nguyễn Kim Huy,…

Cùng với đó, NXB biên soạn, biên tập các công trình, bản thảo, trong đó có cuốn “Đà Nẵng - Thành phố 4 an”. Đây là công trình góp phần “xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an bình, văn minh, hiện đại, Thành phố 4 an luôn là kỳ vọng của chính quyền và nhân dân thành phố” như phát biểu ngày 22-1 vừa qua của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại lễ ra quân và biểu dương lực lượng tấn công các loại tội phạm nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ trên địa bàn.

Gà trống, chữ Hán là đại kê [大雞], có âm đồng với chữ đại cát hay đại kiết [大吉]. Đại cát là “vị thứ” tốt nhất trong các quẻ xăm xin đầu năm. Vì thế, theo quan niệm dân gian, trong năm mới con Gà, kỳ vọng hướng tới những điều tốt đẹp nhất của Đà Nẵng sẽ diễn ra trong hanh thông, thuận lợi và đạt được kết quả mỹ mãn.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.