.
Nghĩ

Tín ngưỡng và mê tín

.

Dẫu cho dư luận phê phán những hành động phản cảm tại các lễ hội, cứ đến mùa lễ hội đầu năm, đặc biệt là những nơi có tượng Phật, người ta vẫn đội lễ hoặc cầm sẵn xấp tiền mới cóng để vừa khấn vái, vừa nhét tiền vào các bức tượng cầu xin tiền tài, quyền lực, danh vọng sẽ về với mình. Chen lấn, xô đẩy, người đến sau luôn cố gắng vươn lên trước để được đứng gần hơn, chính diện hơn với thánh thần. Nhiều người còn cẩn thận viết ra những điều mong mỏi để đề xuất với “bậc bề trên”.

Năm nay, hình ảnh “dòng sông” phật tử, du khách cố giành cho được lộc tại chùa Thiên Trù (chùa Hương, Hà Nội) sáng mồng 6 tháng Giêng cho thấy thái độ trước thánh thần của người dân Việt bao năm qua vẫn không thay đổi. Có lẽ lúc tranh cướp nhau những chiếc vòng chỉ đỏ gắn tượng Phật, chẳng ai trong số họ nhớ đến thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Đức Phật.

Cách người Việt đi lễ hội tạo cảm giác, dường như chốn linh thiêng là nơi để cầu xin thần thánh hay Đức Phật. Đứng trước “bậc bề trên”, dường như người đi lễ, ngoài việc cầu xin bình an, mạnh khỏe và may mắn, bao người khấn xin (rõ thành tiếng) cho chồng/con được thăng quan tiến chức, làm ăn phát tài. Dường như,  khi cúi người trước Đức Phật, họ nghĩ những điều cho mình, vì mình, chứ không phải nghĩ về một nhân cách đã từ bỏ ngôi vua, thú vui trần thế, chấp nhận khổ hạnh, thiền định để tìm ra con đường giúp người và người gần gũi, bình an, hòa thuận với nhau.

Nếu Đức Phật hay các vị thần thánh là người bằng xương, bằng thịt thật, họ sẽ nghĩ gì khi nhìn một biển người tranh nhau khấn vái như sợ rằng thần thánh nghe và đáp ứng lời nguyện cầu của người khác chứ không phải của mình. Các bậc bề trên có chạnh lòng không khi bị “hối lộ” tiền lẻ, lễ vật để mang lại danh lợi hơn người cho một đám đông.

Đến với lễ hội, vãn cảnh chùa là để tịnh tâm, để tự soi lại lòng mình, nếu có cầu xin thì cũng là cầu cho mình biết sám hối, xin cho chính mình đừng làm điều ác chứ không phải để được giàu sang, phú quý, sống lâu. Lòng thành kính với Phật quan trọng hơn lễ cao đầy. Lòng nghĩ về những điều tốt quan trọng hơn việc đứng trước hay sau, gần hay xa so với tượng Phật.

Đà Nẵng chưa có tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau nơi cửa Phật hay các đền chùa trong lễ hội; thế nhưng việc cầu xin, vun vén cho bản thân, xoa tay lên tượng Phật để cầu may mắn, tài lộc là có. Nhiều trẻ em chưa hiểu chuyện cũng được người lớn dẫn đến chùa để khấn vái xin được mạnh khỏe, học giỏi. Điều này sớm gieo vào thế hệ tương lai niềm tin vào việc cầu may, loay hoay tìm chỗ nương tựa vào thánh thần hơn đặt niềm tin vào chính bản thân mình và cuộc sống. Nơi thanh tịnh, tín ngưỡng tốt đẹp có khả năng biến tướng thành sự mê tín dị đoan.

Ngay cả ngày Thần Tài những năm vừa qua luôn xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Trên trang giadinh.net.vn, (ngày 6-2-2017), PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển nhấn mạnh rằng, việc người dân đổ xô đi mua vàng để cầu may trong ngày Thần Tài là một dạng niềm tin tâm linh chứ chưa có cơ sở khoa học nào ghi nhận. Điều này không hề có tác dụng gì như nhiều người nghĩ. Mọi người không cần nhất nhất cứ phải mua vào ngày vía Thần Tài, mọi vấn đề xảy ra đều là do bản thân mỗi người cố gắng. Mua vàng với niềm tin đúng đắn, văn minh, không quá câu nệ thì sẽ không dẫn đến việc mê tín dị đoan.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.