.

Nơi gặp gỡ những tâm hồn yêu nhạc

.

Không phải đến bây giờ, mà rất lâu rồi, giới ca sĩ ở Đà Nẵng vẫn khao khát một sân khấu biểu diễn ca nhạc thường xuyên, lâu dài để thỏa niềm đam mê ca hát, được phục vụ bà con và khẳng định mình. Do đó, dù nguồn thu từ các phòng trà ca nhạc mỗi đêm chẳng nhiều nhặng gì so với kinh phí bỏ ra, nhưng nó vẫn tồn tại như những - ngôi - sao - sáng trên bầu trời âm nhạc vốn chẳng mấy khởi sắc ở thành phố Đà Nẵng.

 Ít đất diễn nên phòng trà ca nhạc vẫn là nơi để các ca sĩ đến gần hơn với khán giả.  (Ảnh do Phòng trà Hợp Phố cung cấp)
Ít đất diễn nên phòng trà ca nhạc vẫn là nơi để các ca sĩ đến gần hơn với khán giả. (Ảnh do Phòng trà Hợp Phố cung cấp)

Điều này thật ra cũng dễ hiểu, bởi ông chủ, bà chủ phòng trà phần lớn xuất thân từ giới nghệ sĩ, từng đứng trên sân khấu âm nhạc, như phòng trà Hợp Phố của nhóm ca sĩ Tuyết Thanh, Ẩn Lan, Xuân Huyền; phòng trà Tiếng Dương Cầm của ca sĩ Nguyệt Hạnh; phòng trà Saigon của ca sĩ Băng Thanh hay phòng trà Thanh Trà của nữ ca sĩ cùng tên… Ngoài mục đích kinh doanh thuần túy, sân khấu phòng trà với những giai điệu đi cùng năm tháng của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Văn Phụng, Trịnh Công Sơn... trở thành nơi lắng đọng, xoa dịu tâm hồn người đam mê ca hát.

Ở Đà Nẵng, có khoảng 10 phòng trà ca nhạc sáng đèn mỗi đêm, hình thành nên 2 phong cách chính: nhạc tiền chiến, nhạc nhẹ trữ tình phục vụ lớp khán giả trung niên và dòng nhạc trẻ. Tuy nhiên, trừ hai ngày cuối tuần, các phòng trà luôn trong tình trạng đìu hiu, vắng khách. Phòng trà Tiếng Dương Cầm nằm trên đường Hoàng Văn Thụ của ca sĩ Nguyệt Hạnh xuất hiện ở Đà Nẵng gần 20 năm nay cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Có đêm phòng trà này chỉ phục vụ vỏn vẹn chưa đến 10 khách, thậm chí có thời điểm, ca sĩ đến hát phục vụ nhưng quán vắng khách nên đành ngậm ngùi ra về. Thế nên, dù tiền nước phục vụ khá cao, các phòng trà tại Đà Nẵng vẫn dè sẻn trong việc chi trả tiền công cho ca sĩ, nhạc công, dành một phần kinh phí duy trì hoạt động.

Hơn 10 năm công tác tại Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng, ca sĩ Huy Tuấn là gương mặt biểu diễn quen thuộc tại các phòng trà Hợp Phố, Tiếng Dương Cầm... bởi anh “chuyên trị” dòng nhạc cổ điển, trữ tình. Nếu hát theo lời mời, mỗi bài anh chỉ được trả công khoảng 50.000 đồng, nếu hợp đồng trọn đêm, biểu diễn xuyên suốt 4-5 bài, anh cũng chỉ nhận mức thù lao từ 100.000-150.000 đồng. Dù vậy, với những ca sĩ như Huy Tuấn, việc có đất diễn đã là hạnh phúc, miễn được đứng trên sân khấu hát phục vụ khán giả.

Vốn là loại hình âm nhạc “kén” khán giả, với mức dịch vụ cao hơn so với các quán cà-phê thông thường, trong suy nghĩ của nhiều người, phòng trà ca nhạc vẫn là địa chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, tiền bạc rủng rỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát ở một số địa chỉ giải trí trên địa bàn thành phố, mức phí trung bình từ 100.000 – 200.000 đồng cho một thực khách khi đến phòng trà nghe nhạc là bình thường trong thời điểm hiện nay.

Một trong những nguyên nhân khiến phòng trà ca nhạc vốn đã ít khách nay càng chật vật hơn là sự xuất hiện ngày càng dày đặc các quán cà-phê nhạc sống, những “bar club” với không gian âm nhạc sôi động, cuồng nhiệt, phù hợp với khách hàng trẻ - đối tượng thường ra khỏi nhà mỗi tối. Ở không gian của ánh sáng, của nhạc sàn điện tử và khói thuốc, hơi men, thì giọng hát hay phong cách biểu diễn của ca sĩ không còn là yếu tố hàng đầu. Thậm chí, dòng nhạc bolero nhẹ nhàng, sâu lắng khi được biểu diễn tại đây cũng được cách tân với remix (hòa âm nhạc sàn) sôi động, có vũ đạo kèm theo để thu hút khách.

Tự tìm cho mình một hướng đi để tồn tại, Da Nang By Night nằm trên đường Nguyễn Tất Thành ngoài không gian cà-phê sân vườn nhìn ra hướng biển, ở tầng 2 có hẳn một sân khấu ca nhạc được trau chuốt từ âm thanh, ánh sáng đến đội ngũ nhạc công lành nghề. Nhạc sĩ Nguyễn Công Dũng, Giám đốc điều hành sân chơi ca nhạc, khiêu vũ hằng đêm tại đây cho biết bên cạnh âm nhạc, thì khiêu vũ là điểm nhấn thu hút của địa chỉ này. Hằng tuần, Da Nang By Night tổ chức những đêm nhạc dành riêng cho tác giả, tác phẩm nổi tiếng. “Việc kết hợp giữa biểu diễn ca nhạc có chọn lọc với không gian khiêu vũ là hướng đi mới mà các phòng trà ở Đà Nẵng cần khai thác. Khi ấy, đến với phòng trà, khán giả không chỉ được nghe, được nhìn, mà còn hòa mình vào giai điệu trong một không gian văn hóa lịch sự và chuẩn mực”, anh Dũng nói.

Không ngạc nhiên khi nói rằng, khách ở phòng trà giống như những vị giám khảo khó tính và kén chọn bởi họ chú trọng việc “nghe” hơn “xem”. Điều đó đòi hỏi ca sĩ hát phục vụ phải có chất giọng chuẩn, ấm và không ngừng rèn luyện để tự tin hát live (không nhạc) theo yêu cầu. Trong không gian rộng vừa đủ, giữa tiếng nhạc dặt dìu, khách có thể cảm nhận giọng ca ngọt ngào đang rót mật vào tai. Với một chút tinh tế trong tâm hồn, hẳn mỗi người sẽ nhận thấy trong không gian lặng lẽ và thân mật ấy có những tâm hồn đang rung cảm cùng giai điệu. Chính sự “lắng nghe”, chia sẻ đó khiến không ít ca sĩ phòng trà chấp nhận mức thù lao ít ỏi để được hát, được “gặp” những tâm hồn đồng điệu với thi ca.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.