.

Tòa án lương tâm

.

Giá như biết bình tâm suy xét thiệt hơn trước khi hành động nông nổi thì họ đã không phải bày tỏ một sự ân hận muộn màng trước tòa án. Bởi Mahatma Gandhi, anh hùng dân tộc Ấn Độ, đã từng nói: “Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm. Nó thay thế cho mọi tòa án khác”.

Đằng sau những vụ tai nạn giao thông là nỗi đau dai dẳng. Trong ảnh: Một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang tháng 4-2017. Ảnh: Đắc Mạnh
Đằng sau những vụ tai nạn giao thông là nỗi đau dai dẳng. Trong ảnh: Một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Hòa Vang tháng 4-2017. Ảnh: Đắc Mạnh

24 tuổi, Nguyễn Ngọc Hải (trú tổ 59, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) làm bạn với Đặng Văn Sang trong hội chơi xe Winner. Ngày 28-12-2016, Sang chở Hải trên chiếc Winner đi dạo trong Công viên Châu Á. Nói chuyện với nhau về cách chạy xe, bảo quản xe, không ai chịu ai nên dẫn đến mâu thuẫn. Khi đến đoạn đường vắng ven sông Hàn, Sang dừng xe lại và cả hai tiếp tục cãi vã. Lựa lúc bất ngờ, Hải tháo dây thắt lưng của mình và siết cổ Sang đến khi nạn nhân bất động. Tưởng Sang đã chết, Hải lấy bóp tiền của Sang rồi đẩy cho Sang lăn xuống sông Hàn...

Ngày 6-7-2017, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Xét thấy hậu quả bị cáo Nguyễn Ngọc Hải gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, đã tước đi mạng sống một con người, gây tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt tử hình Hải về tội “Giết người”, 4 năm về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành cho cả hai tội là tử hình.

Sự nông nổi, không kiềm chế được cơn giận của tuổi trẻ đã đẩy chính bị cáo Hải vào khung hình phạt cao nhất. Một số người cũng vì một phút chủ quan, mất quan sát mà đã tước mất đi mạng sống của con người.

Như vụ tai nạn giao thông chiều ngày 22-1-2017, tài xế Huỳnh Kim Long (34 tuổi, quê Quế Sơn, Quảng Nam) điều khiển xe buýt lưu thông trên đường Phạm Hùng theo hướng Cẩm Lệ đi Miếu Bông đã vượt xe mà không quan sát, khiến xe buýt tông vào một mô-tô đang chạy theo chiều ngược lại. Cú va chạm quá mạnh khiến người đàn ông điều khiển mô-tô chết tại chỗ. Người ngồi sau bị thương nặng, được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-5-2017 diễn ra tại TAND quận Cẩm Lệ, HĐXX tuyên Huỳnh Kim Long 2 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 của BHLS.  Mức án này đã được giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại TAND thành phố Đà Nẵng ngày 19-7 vừa qua.

Gần đây nhất, ngày 4-8 vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một vụ xảy ra trên quốc lộ 1A (gần cầu vượt Hòa Cầm, thuộc địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) do xe ben tông xe gắn máy khiến hai mẹ con đi xe gắn máy tử vong tại chỗ. Một vụ xảy ra trước số nhà 226 Trưng Nữ Vương (phường Bình Thuận, quận Hải Châu) do ô-tô chạy cùng chiều tông xe gắn máy làm người vợ ngồi phía sau tử vong tại chỗ, người chồng điều khiển xe bị thương nhẹ.

Tài xế điều khiển hai chiếc ô-tô trong hai tai nạn giao thông nói trên, sau khi cơ quan chức năng kết thúc điều tra làm rõ, cũng sẽ phải đối diện với một mức án nào đó. Ra tòa, họ cũng sẽ “nói cùng một bài” như các bị cáo trước đó, rằng cảm thấy ân hận khi gây tai nạn giao thông làm người khác phải thương vong. Tất cả đều là muộn màng. Giá như họ biết làm chủ tốc độ, biết quan sát khi chạy xe trên đường thì sẽ không có những mảnh khăn tang phủ lên những mái đầu, những vết sẹo để lại trên thân thể của những người bị hại.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Hải cũng tỏ ra ân hận trong lời nói cuối cùng tại phiên tòa sơ thẩm. Rằng bị cáo cảm ơn HĐXX cho bị cáo đứng đây để nói lời xin lỗi mẹ bạn Sang. Rằng qua 6 tháng tạm giam mới thấu hiểu được ý nghĩa của gia đình. Rằng xin HĐXX cho bị cáo một con đường sống để có cơ hội đền bù cả vật chất lẫn tinh thần cho gia đình bạn Sang...

Mẹ của Sang rơi nước mắt. Bà Nguyễn Thị Bàng, Thư ký tổng hợp – Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ TAND thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “Trong suốt 7 năm làm thư ký phiên tòa, tôi chưa nghe một bị cáo nào nói lời cuối cùng như thế”.

Cuộc sống lặng lẽ trôi đi qua những phận đời. Những Long, những Hải... phải trả giá cho hành vi của mình bằng những bản án tương xứng. Dù có thụ án xong thì hẳn sẽ mãi còn day dứt, bởi “Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.